Giúp nông dân hiểu rõ về cây trồng công nghệ sinh học

Anh Thơ Thứ tư, ngày 07/04/2021 19:16 PM (GMT+7)
Được coi là một trong những giải pháp để nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất, cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) đã có nhiều đóng góp cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất ở các địa phương.
Bình luận 0

Theo ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về tiềm năng, lợi ích cây trồng công nghệ sinh học.

Giúp nông dân hiểu rõ về cây trồng công nghệ sinh học - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam điều hành hội thảo.

Diện tích ngô công nghệ sinh học chiếm 10%

Thống kê cho thấy, tổng diện tích ngô công nghệ sinh học canh tác tại Việt Nam cho cả giai đoạn 2015 - 2019 là 225.000ha. Riêng năm 2019, diện tích canh tác ngô công nghệ sinh học là 92.000ha, chiếm 10% tổng diện tích ngô cả nước.

Tính đến hết tháng 6/2017, Bộ NNPTNT đã công nhận đặc cách tổng cộng 16 giống ngô biến đổi gen, trong đó thực ra chỉ có 10 giống nền và các giống này đã được phổ công nhận ở Việt Nam.

Đáng chú ý, năng suất thu hoạch được của các giống ngô công nghệ sinh họcvới các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 15,2 - 30%.

Lợi nhuận canh tác có được từ việc trồng các giống ngô công nghệ sinh học cũng gia tăng với mức từ 4,5 - 7,6 triệu đồng/ha.

Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi canh tác ngô công nghệ sinh học giảm đáng kể, với thuốc trừ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%.

Giúp nông dân hiểu rõ về cây trồng công nghệ sinh học - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Định (giữa), Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Trần Xuân Định - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam và GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp chủ tri Hội thảo.

Ông Hoàng Trọng Ngãi - nông dân trồng ngô công nghệ sinh học ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cho biết, ông và nhiều nông dân xã Đức Bác tham gia trồng ngô công nghệ sinh học từ năm 2015, hiện diện tích ngô công nghệ sinh học trên địa bàn xã là 120ha.

"Tôi và bà con tại đây đều lựa chọn trồng giống ngô công nghệ sinh học do những đặc tính tốt mà chúng mang lại, thứ nhất là kháng được sâu bệnh; hai là, khả năng chống chịu tốt với điều kiện thiên nhiên, thời tiết bất thuận" - ông Ngãi nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, nông dân trồng ngô tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết, các giống ngô công nghệ sinh học giúp kháng các loại sâu lên tới 95%, trong khi đối với các giống ngô thường, đặc biệt vào điều kiện nhiệt độ cao như tại Nghệ An thì sâu phá hoại gần như toàn bộ, dẫn đến không còn thu hoạch.

"Nhờ vào việc không phải phun thuốc trừ sâu, gia đình tôi tiết kiệm được chi phí mua thuốc, chi phí phun thuốc, năng suất ngô công nghệ sinh học tăng tới 20% so với trước kia" – ông Phong chia sẻ.

Cần thông tin đúng về cây trồng công nghệ sinh học

Tại hội thảo: "Đóng góp của cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam" do Hiệp hội Thương mại giống cây trồng (VSTA), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức Quốc tế và ứng dụng và tiếp thu công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) phối hợp tổ chức chiều 7/4, nhiều ý kiến cho biết, hiện vẫn còn những quan điểm và cách hiểu không đúng về cây trồng công nghệ sinh học.

Giúp nông dân hiểu rõ về cây trồng công nghệ sinh học - Ảnh 1.

Nông dân Thái Nguyên bên ruộng trồng giống ngô chuyển gen NK4300 BT/Gt. Ảnh: A.T

"Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp các đơn vị xây dựng các hoạt động tiếp theo nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về tiềm năng, lợi ích cây trồng công nghệ sinh học...".

Ông Nguyễn Xuân Định

Ông Trần Xuân Định - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam cho biết: "Nhiều giống cây trồng được tạo ra bằng công nghệ sinh học đã có mặt ở Việt Nam, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập nhờ việc tăng năng suất và giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật".

Theo tổ chức ISAAA, với việc có thêm 3 quốc gia châu Phi, số lượng các quốc gia canh tác cây trồng công nghệ sinh học đã tăng lên 29 vào năm 2019. 

Trong đó, 5 quốc gia dẫn đầu với diện tích cây trồng công nghệ sinh học lớn nhất là Mỹ, Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ.

 Ước tính, khoảng 1,95 tỷ người, tương đương với 26% dân số thế giới, được hưởng lợi từ công nghệ sinh học vào năm 2019.

Tiến sỹ Rhodora R. Aldemita, Giám đốc khu vực Đông Nam Á kiêm Giám đốc Trung tâm Kiến thức toàn cầu về công nghệ sinh học của ISAAA cho biết thêm: "Năm 2019, tổng cộng có 190,4 triệu hecta cây trồng công nghệ sinh học được canh tác góp phần quan trọng vào giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực, tính bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng cây công nghệ sinh học đạt đến hai con số cùng với Philippines và Colombia".

Phân tích về các tác động của cây trồng công nghệ sinh học ở phạm vi toàn cầu, TS Graham Brookes – Viện PG Economic đã dẫn chứng các số liệu trong nghiên cứu gần nhất phát hành năm 2020: "Tính đến năm 2018, tổng thu nhập gia tăng dành cho nông dân canh tác cây trồng công nghệ sinh học là 19 tỷ USD. Nông dân đặc biệt là những nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ tại các nước đang phát triển thu được lợi ích rõ ràng hơn từ cây trồng công nghệ sinh học".

Về những đánh giá khác nhau về cây trồng công nghệ sinh học, TS Graham cho rằng, đó là do thông tin được truyền tải không đúng.

"Nếu trao đổi với những nông dân đã sử dụng cây trồng công nghệ sinh học thì sẽ đánh tan những nghi ngờ về cây trồng biến đổi gan" – TS Graham nói.

Nhận định về tương lai ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: "Theo Quyết định số 429/QĐ-TTg ban hành ngày 24/3/2021 phê duyệt Đề án phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2023, một trong các mục tiêu tới năm 2030 đó là Việt Nam có thể làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô nông nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất và phát triển số lượng doanh nghệp công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm tối thiểu 30% so với giai đoạn 2021-2025.

 Điều này cũng cho thấy định hướng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là định hướng phát triển chung, là việc bắt kịp xu hướng của Việt Nam cùng các nước trên thế giới trong ứng dụng các giống cây trồng thế hệ mới với các tính trạng cải tiến bằng khoa học hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại".

"Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng các hoạt động tiếp theo nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về tiềm năng, lợi ích cây trồng công nghệ sinh học cũng như giải quyết các khó khăn trong nghiên cứu ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học vào thực tiễn tại địa phương" – ông Định nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem