Giúp trẻ đương đầu với sự đổ vỡ của cha mẹ như thế nào?

Hoàng Khánh (Theo Helpguide) Thứ hai, ngày 15/12/2014 09:40 AM (GMT+7)
Ở bất cứ độ tuổi nào, cha mẹ ly hôn cũng đem đến một cú sốc tinh thần vô cùng lớn với con trẻ. Dưới đây là một vài tư vấn mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo để giúp con mình vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bình luận 0

Nói gì với trẻ?

Nhiều cha mẹ cảm thấy cực kỳ bối rối vì không biết phải bắt đầu từ đâu và nói gì với con cái, khi cuộc ly hôn của họ là không thể trì hoãn. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ suôn sẻ hơn nếu ngay từ trước khi mở lời, bạn đã có sự chuẩn bị nhất định.

Nguyên tắc số 1: Chú ý lời nói và cách nói, sao cho thông tin được đưa ra khách quan với một thái độ cởi mở và thẳng thắn.

Để làm được điều này, cha mẹ không thể né tránh sự thật . Trẻ nhỏ có quyền được biết điều gì đang xảy ra, đặc biệt khi cuộc ly hôn của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới bản thân đứa trẻ. Cố gắng nói ngắn gọn và đi thẳng vào trọng tâm, vì trong trạng thái tâm lý bất an mà trẻ đang đối mặt, mọi lời nói hoa mỹ, lòng vòng đều có thể dẫn tới hiểu lầm. Cần nhấn mạnh rằng, dù cho không còn sống bên nhau, nhưng cha mẹ vẫn sẽ luôn luôn yêu thương trẻ.

Cũng đừng quên sức mạnh thần kỳ của câu nói: "Cha/Mẹ yêu con". Tuy đơn giản nhưng đây là câu nói có tác dụng trấn an rất tốt. Nếu bạn là người phải dời đi, hãy cho trẻ địa chỉ mới của bạn và đảm bảo rằng: "Ở ngôi nhà mới đó, con luôn luôn được chào đón".

Nguyên tắc số 2: Tuyệt đối tránh việc đổ lỗi

Điều quan trọng là bạn phải trung thực với trẻ, nhưng cũng đừng nên chỉ trích chồng/vợ cũ trước mặt con cái. Điều này vốn chẳng dễ dàng gì nếu như bạn không phải là người tạo nên đổ vỡ, bạn là người đang phải hứng chịu nhiều tổn thương. Tuy nhiên, vẫn nên lựa chọn một cách nói khéo léo để trẻ không thấy được sự thù hằn trong con người bạn. Cố gắng dành sự tôn trọng tối đa cho người cũ vì như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Nguyên tắc số 3: Đưa ra đủ thông tin

Trong giai đoạn đầu của cuộc ly hôn, bạn cần chú ý cân nhắc tới những thông tin sẽ nói với trẻ, mức độ bao nhiêu, liều lượng thế nào để trẻ có thể tiếp nhận. Tùy theo độ tuổi của con mình mà bạn quyết định lượng thông tin cụ thể. Thông thường, trẻ mẫu giáo chỉ cần những lời giải thích đơn giản, nhưng nếu con bạn đã bước vào tuổi teen, bạn khó lòng giấu giếm trẻ điều gì.

Tuy nhiên, cũng hãy đưa ra thông tin một cách logic. Sau khi thông báo tình trạng quan hệ của mình, cha mẹ có thể nói với trẻ những điều đã thay đổi khác như địa chỉ nhà ở, trường học, lịch tham gia các hoạt động...Cần cố gắng tránh làm trẻ rối trí bởi quá nhiều thông tin bất ngờ. Và quan trọng nhất là hãy nói sự thật, đừng cố làm phức tạp vấn đề với những thông tin mơ hồ.

Lắng nghe và trấn an

Hãy hỗ trợ để trẻ chịu chia sẻ cảm xúc khi nhận được tin cha mẹ sẽ ly hôn, cố gắng lắng nghe và chấp nhận mọi phản ứng tức thời của trẻ. Sau đó, bạn nhất định phải giúp trẻ xoa dịu những dằn vặt, đặc biệt là cảm giác hụt hẫng và mất mát mà trẻ đang đối diện. Để làm được điều này, bạn có thể chú ý tới ba bước sau:

Bước 1: Giúp trẻ bộc lộ cảm xúc

Hãy khuyến khích trẻ nói ra suy nghĩ của mình và phải thật sự lắng nghe những chia sẻ đó. Những cảm xúc thường thấy ở con trẻ trong trường hợp này là buồn đau, thất vọng và hoang mang. Hãy giúp trẻ lựa chọn những từ ngữ thích hợp để diễn tả tâm trạng. Có trẻ sẽ cố gắng kìm nén cảm xúc vì cho rằng không nên làm cha/mẹ tổn thương hơn nữa. Tuy nhiên, bạn vẫn phải khích lệ để trẻ nói ra những suy nghĩ thật lòng nhất. Trẻ càng thẳng thắng, bạn càng dễ giải quyết được khó khăn. Bạn cũng có thể cho trẻ thấy cảm xúc thật của mình và khuyến khích trẻ nói chuyện. Hãy nhớ rằng, dù không thể biến đổi hoàn toàn tâm trạng của trẻ nhưng ít nhất, bạn cũng không được phớt lờ cảm xúc mà trẻ đang trải qua..

Bước 2: Xóa bỏ những hiểu lầm

Có trẻ sẽ cho rằng, chính mình là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ, vì mình từng không vâng lời, không chịu làm bài tập, mình từng bị điểm kém.... Hãy giúp trẻ thoát khỏi những suy nghĩ vô lý ấy bằng cách chia sẻ thẳng thắn lý do của cuộc ly hôn. Việc hiểu được nguyên nhân dẫn tới sự chia ly của bố mẹ có tác dụng tích cực để cải thiện tâm trạng trẻ. Đặc biệt, cần thật sự kiên nhẫn và khéo léo khi giải thích những lý do này.

Bước 3: Trấn an và yêu thương

Để chữa lành những tổn thương của trẻ thì mọi lời nói, hành động và thái độ của cha mẹ đều rất quan trọng. Tốt nhất, trong cuộc trò chuyện với con trẻ, nên có sự hiện diện của cả hai người. Điều đó cho trẻ cảm giác được an ủi hơn.

Câu nói "Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi con yêu ạ" cũng có tác dụng rất tốt. Đồng thời, những cử chỉ âu yếm như ánh mắt trìu mến, một cái vuốt tóc, nắm tay hay một cái ôm nhè nhẹ sẽ có giá trị vô cùng trong hoàn cảnh khó khăn mà cả bạn và trẻ đều đang phải nếm trải.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem