Gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt: Cơ hội trước 'giờ G'

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 05/10/2023 19:23 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, cơ hội gỡ “thẻ vàng” thủy sản vẫn còn nhưng rất hẹp nên cả hệ thống phải vào cuộc. Nếu không gỡ được “thẻ vàng” trong năm nay, phải 1-2 năm nữa mới có thể làm được bởi châu Âu bầu cử chính quyền mới vào tháng 4/2024, phải làm việc lại từ đầu.
Bình luận 0

Nỗ lực gỡ "thẻ vàng"

Gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt: Lách qua khe cửa hẹp trước “giờ G” - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra hồ sơ nhật ký tàu cá tại cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh tháng 8/2023. Ảnh: B.H

"Kiên quyết không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khẳng định với EC rằng chúng ta đã làm được việc rất khó này, không còn tàu vi phạm nữa".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) sau hơn 6 năm bị cảnh báo "thẻ vàng" đã có những chuyển biến đáng kể. Tại đợt thanh tra lần thứ 3, Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU.

Trao đổi với báo chí về vấn đề gỡ thẻ vàng IUU, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), cho biết, đây là vấn đề quan trọng được cả hệ thống chính trị tham gia, cùng quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU.

Không lơ là, chủ quan, dung túng trong chống khai thác IUU

Để quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC) từ ngày 10-18/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan từ nay đến trước khi Đoàn thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam lần thứ 4 cần tập trung nguồn lực, xử lý dứt điểm các nội dung trọng tâm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không dung túng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.

P.V

Theo ông Luân, các quy định pháp luật đã được hoàn thiện, phù hợp với pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là ở các địa phương thực hiện như thế nào, trong đó vướng mắc lớn nhất trong chống IUU đến nay là vẫn còn tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Dù tình trạng này đã giảm rất nhiều so với những năm trước, nhưng các nước xung quanh như Malaysia, Indonesia, Thái Lan... đều không muốn có tàu khai thác bất hợp pháp.

"Trong khi đó, EC khẳng định nếu còn tàu vi phạm sẽ không gỡ thẻ vàng. EC có rút thẻ vàng lần này hay không còn phụ thuộc quá trình thanh tra. Khi EC kiểm tra, chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể từng trường hợp vi phạm để EC trao đổi lại với các nước xung quanh"- ông Luân nói.

Cũng theo ông Luân, Việt Nam đã có Luật Thủy sản, Nghị định 42 và Nghị định 26 quy định cụ thể về xử phạt các trường hợp vi phạm trong khai thác thủy hải san. Tuy nhiên, nhiều địa phương chủ yếu chỉ mới dừng ở mức nhắc nhở, bắt ký cam kết không tái phạm mà chưa cương quyết xử phạt, dẫn đến có những trường hợp vi phạm nhiều lần.

"Quyết tâm của Trung ương là rất lớn, chủ trương chính sách cũng như quy phạm xử lý ở Trung ương về IUU cơ bản đã hoàn thiện, vấn đề còn lại là ở quá trình thực thi tại các địa phương. Thế nhưng có nơi làm tốt, cương quyết xử phạt; có nơi không cương quyết, ngại va chạm" - ông Luân chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Dương Văn Cường- Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) cho biết, chiều 29/9, Bộ NNPTNT đã họp trực tuyến với đoàn công tác của EC để trao đổi một số nội dung, báo cáo trước tình hình trước khi đoàn EC sang kiểm tra. "Việc gỡ thẻ vàng hay không hay kết quả như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào đợt thanh tra trực tiếp tại Việt Nam tới đây" - ông Cường nói. 

Sau lần kiểm tra của EC vào tháng 10/2022, trong một năm qua, Ban chỉ đạo quốc gia cũng như lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì 4 cuộc họp, trực tiếp đến các địa phương để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Bộ NNPTNT cũng tổ chức nhiều chuyến kiểm tra, hướng dẫn các địa phương ven biển. 

"28 địa phương ven biển và các bộ ngành liên quan đã nỗ lực rất nhiều trong chống khai thác IUU. Vấn đề không chỉ là gỡ thẻ vàng EC mà vì thực thi pháp luật về thủy sản ở Việt Nam để phù hợp thông lệ quốc tế và cũng như phát triển nghề cá bền vững"- ông Cường khẳng định.

Kiểm soát từ đánh bắt đến xuất khẩu...

Gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt: Lách qua khe cửa hẹp trước “giờ G” - Ảnh 4.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu kiểm tra tại cảng cá Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế hồi tháng 6/2023. Ảnh: Q.T

Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, từ ngày 10 – 18/10/2023, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện các yêu cầu về IUU. Đây là lần thứ tư EC đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị về chống đánh bắt IUU, nhằm đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết Ban chỉ đạo IUU đã họp, lên kế hoạch chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 4 của đoàn thanh tra EC, trong đó tập trung vào những việc quan trọng mà EC khuyến nghị. 

Đó là hoàn thiện, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 26/2019 và Nghị định số 42/2019) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. 

Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo từng địa phương quản lý các đội tàu, như gắn định vị, kiểm soát lượng hải sản đánh bắt và truy xuất nguồn gốc chi tiết từ cảng cá, kho, nhà máy chế biến cho đến khi xuất khẩu. Đặc biệt không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là những việc rất cụ thể để cho thấy rằng từ đợt kiểm tra thứ ba của EC sang đợt kiểm tra thứ tư, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từng địa phương phải cụ thể hóa các vụ xử lý vi phạm hành chính, đã xử lý bao nhiêu vụ, bao nhiêu tiền, bao nhiêu vụ chưa xử lý sẽ phải xử lý dứt điểm trước khi đoàn thanh tra EC sang. Cũng theo ông Tiến, cơ hội gỡ "thẻ vàng" vẫn còn nhưng cơ hội rất hẹp nên phải quyết tâm cao để giải quyết. 

"Kiên quyết không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khẳng định với EC rằng chúng ta đã làm được việc rất khó này, không còn tàu vi phạm nữa"- ông Tiến khẳng định...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem