Gỡ thẻ vàng IUU: Đừng để quá muộn (Bài cuối): Không làm quyết liệt, khó gỡ thẻ vàng
Gỡ thẻ vàng IUU: Đừng để quá muộn (Bài cuối): Không làm quyết liệt, khó gỡ thẻ vàng
Khánh Nguyên
Thứ năm, ngày 29/04/2021 07:00 AM (GMT+7)
Kiểm soát chặt chẽ đội tàu đánh bắt xa bờ, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là giải pháp then chốt để có thể gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) cho biết, không chỉ Việt Nam, nhiều nước cũng đã và đang bị EC rút thẻ vàng hoặc thẻ đỏ về hành vi khai thác IUU.
"Để gỡ được thẻ vàng và không bị cảnh báo thẻ đỏ, vấn đề then chốt là phải kiểm soát được đội tàu, Việt Nam phải chứng minh được các địa phương đã quản lý, kiểm soát chặt chẽ đội tàu, một là tàu có vi phạm vùng biển nước ngoài hay không, hai là sản phẩm tiêu thụ trên thị trường có hợp pháp hay không?" – bà Nhung nói.
Dù đã đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng IUU nhưng theo Tổng cục Thủy sản, nhiều địa phương vẫn chưa nỗ lực để thực hiện quyết liệt các giải pháp.
Hiện mới có 5/28 địa phương ven biển bố trí nguồn lực trực hệ thống giám sát tàu cá, gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau, Trà Vinh.
Ông Lê Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản (Tổng cục Thủy sản), theo quy định, đối với tàu cá 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Tổng cục Thủy sản thống nhất quản lý tàu cá với tàu 15m trở lên, phân tích dữ kiện tàu 24m trở lên, phân quyền cho địa phương thực hiện giám sát hành trình.
"Đến nay, hệ thống giám sát tàu cá đã được đầu tư xây dựng do Trung tâm Thông tin thủy sản vận hành. Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng được phân quyền từ Trung ương đến địa phương, theo quy định địa phương bố trí trực nhân lực vận hành 24/24 giờ, phân tích dữ liệu tàu cá.
Tuy nhiên, hiện mới có 5/28 địa phương ven biển bố trí nguồn lực trực hệ thống giám sát tàu cá, gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau, Trà Vinh.
Điều này gây khó khăn trong quản lý tàu cá. Những địa phương nào có bộ phận trực sẽ xử lý ngay, còn địa phương chưa bố trí lực lượng trực sẽ chậm trễ trong việc xử lý thông tin với tàu cá vi phạm" - ông Kiên nêu một thực tế.
Đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hiện 86% số tàu trên 15m đã được lắp thiết bị, tuy nhiên vẫn có một số địa phương triển khai chậm, có địa phương chỉ đạt dưới 50% số tàu được lắp thiết bị giám sát hành trình như Thanh Hóa, Quảng Trị...
Tăng cường xử phạt hành chính
Theo bà Nguyễn Thị Trang Nhung, việc thực thi pháp luật theo đúng khuyến nghị của EC là vấn đề then chốt quyết định có gỡ được thẻ vàng IUU hay không.
Hiện nay, vẫn còn tàu cá trên 24m vượt ranh giới Việt Nam, được ghi nhận ở Kiên Giang, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều tàu cá mất tín hiệu 10 ngày (có thể gây ra hành vi IUU) tại một số địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến Tre, Quảng Ngãi, Tiền Giang…
"Liên quan đến công tác kiểm soát tàu cá hiện có 3 vấn đề khó khăn là cơ sở hạ tầng cảng cá, dữ liệu về đội tàu 24m trở lên và truy xuất nguồn gốc. Cái khó hiện nay tại các cảng là nguồn nhân lực, có những cảng lớn, kiểm soát hàng nghìn lượt tàu như cảng Đông Tác (Phú Yên) nhưng chỉ có 2 cán bộ, 2 bảo vệ" - bà Nhung nói.
Trong khi đó, bà Phan Thị Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Thủy sản), cho rằng, cần ổn định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản từ Trung ương đến địa phương, đầu tư thỏa đáng với chức năng nhiệm vụ được giao.
Cũng theo bà Huệ, để nâng cao ý thức của người dân trong khai thác IUU, ngoài việc tuyên truyền, việc áp dụng các hình thức xử phạt cũng rất quan trọng.
Một số tỉnh đã thực thi xử phạt tốt, như Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định xử phạt tàu vi phạm không lắp giám sát hành trình với biện pháp rất mạnh.
Trong khi vẫn còn những địa phương khá rụt rè trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản như Ninh Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
"Để giám sát tàu cá, còn cần sự tham gia của Bộ Quốc phòng vì hoạt động khai thác, xuất bến phải qua trạm biên phòng. Từ cách làm ở Quảng Bình cho thấy, nếu các lực lượng phối hợp tốt thì việc giám sát tàu cá rất hiệu quả.
Theo đó, Quảng Bình xác định số lượng tàu cá cần quản lý chặt, giao cho từng cán bộ biên phòng, nếu cán bộ để xảy ra vi phạm nhiều không bị xử lý, hoặc xử lý mà vẫn tái phạm thì phải chịu trách nhiệm với trạm biên phòng đó, còn trạm thì chịu trách nhiệm với tỉnh. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ này, Quảng Bình đã kiểm soát được tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài" - bà Huệ nêu ví dụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.