Gỡ thẻ vàng thuỷ sản: "Giải quyết dứt điểm, không có lý do, không giải thích"
Gỡ thẻ vàng thuỷ sản: "Giải quyết dứt điểm, không có lý do, không giải thích"
Dũ Tuấn
Thứ sáu, ngày 21/04/2023 20:31 PM (GMT+7)
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nghiêm, không có lý do, không giải thích, tập trung vào giải quyết dứt điểm gỡ thẻ vàng thuỷ sản”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Tập trung nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm
Ngày 21/4, tại Bình Định, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), trước khi Việt Nam làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng của 28 tỉnh, thành ven biển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, kinh tế thủy sản, trong đó có khai thác thủy sản, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Giá trị sản xuất thủy sản năm 2022 của tỉnh Bình Định đạt khoảng 19.400 tỷ đồng, chủ yếu nhờ hoạt động khai thác, đánh bắt (chiếm 36,8% giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh). Cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 27,4% giá trị GDRP của tỉnh.
Bình Định đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 tới nay, Bình Định vẫn còn 3 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, do một số ngư dân vì lợi ích trước mắt đã cố tình đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tất cả các chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh.
Ông Tuấn khẳng định, tỉnh Bình Định tập trung nguồn lực đảm bảo ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; tổ chức tốt công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực và các nguồn lực vật chất khác cho các ban quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Thanh tra. Tập trung củng cố lực lượng có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm khai thác bất hợp pháp, theo đúng quy định của pháp luật.
Theo ông Vũ Duyên Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác (Tổng cục Thủy sản), EC khuyến nghị 4 nhóm vấn đề, nhưng có vấn đề trọng tâm Việt Nam cần khắc phục ngay là quản lý đội tàu, giám sát hoạt động tàu cá. Về quản lý đội tàu, phải kiểm soát được từng tàu đang hoạt động ở đâu, hoạt động như thế nào, có đủ điều kiện hoạt động hay không, tàu đó có đầy đủ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, lắp đặt máy giám sát hành trình hay chưa.
Trong quá trình tàu cá hoạt động ngoài biển ngành chức năng phải kiểm soát 24/7 để đảm bảo tàu cá đó hoạt động đúng vùng, đúng tuyến, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài.
"Một vấn đề cần khắc phục ngay nữa là về truy xuất nguồn gốc, giám sát sản lượng lên bến. Tất cả tàu cá ra vào cảng phải được kiểm soát, nếu tàu nào không tuân thủ quy định thì không cho bốc dỡ sản phẩm và xử lý. Việc giám sát phải trung thực về số lượng, loài, khai thác ở đâu để đảm bảo truy xuất nguồn gốc", ông Hải thông tin.
Quyết tâm tháo gỡ, không lý do, không giải thích
Theo Đại tá Trần Ngọc Hữu - Phó Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU cần đề nghị Bộ Ngoại giao cung cấp hồ sơ, chứng cứ tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, để ngành chức năng đủ căn cứ pháp lý xử lý.
Đại tá Hữu nêu 1 ví dụ tại Kiên Giang. Sau khi đồn biên phòng tham mưu cho UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt một số vụ tàu cá khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài, thì chủ tàu khởi kiện ngược lại UBND tỉnh liên quan đến căn cứ pháp lý. Quy định tòa án yêu cầu việc xử phạt phải đảm bảo quy định, lập biên bản ở đâu, căn cứ có đủ không.
"Thế nhưng vi phạm xảy ra trên vùng biển nước ngoài chúng tôi không thể lập biên bản tại hiện trường, mà chỉ có thể căn cứ vào thông báo của Bộ Ngoại giao và của các cơ quan chức năng, căn cứ vào lời khai có xâm phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân vi phạm. Hồ sơ bên nước ngoài xử lý gửi về thì chỉ có Bộ Ngoại giao có chứ lực lượng bộ đội biên phòng không có. Chúng tôi đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU báo cáo với Chính phủ, chỉ đạo Bộ Ngoại giao cung cấp cho chúng tôi hồ sơ liên quan để thuận tiện xử lý để tăng tính răn đe", Đại tá Hữu cho hay.
Đại tá Trần Ngọc Hữu cho rằng, trong công tác kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt thông qua hoạt động tàu cá cập cảng lên cá.
Kể cả tàu nước ngoài, thì lực lượng bộ đội biên phòng cần được cấp tài khoản truy cập vào hệ thống giám sát tàu cá để thực hiện nhiệm vụ.
"Ở Bình Định, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NNPTNT chia sẻ tài khoản cho các đồn biên phòng và các trạm, nhưng các tỉnh khác chỉ có BCH Bộ đội Biên phỏng tỉnh mới có tài khoản", ông này nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đề nghị, đối với việc xử lý chống khai thác IUU, cần tập trung xử lý nghiêm, giải quyết dứt điểm.
"Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nghiêm, không có lý do, không giải thích, tập trung vào giải quyết dứt điểm gỡ thẻ vàng thuỷ sản", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Thời gian tới, các bộ, ngành, 28 tỉnh, thành phố ven biển tập trung vào 6 nội dung là: Truyền thông, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quản lý đội tàu và giám sát đội tàu, truy suất nguồn gốc, xử lý vi phạm hành chính, hợp tác quốc tế.
Sắp tới, Bộ NNPTNT đưa thêm 6 thiết bị theo dõi nhằm xử lý những tàu cá vi phạm mất kết nối trong quá trình đánh bắt trên biển. Đối với việc giám sát đội tàu, hàng tuần các địa phương cập danh sách tàu cá có nguy cơ cao.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành địa phương trong thực hiện ngăn chặn vi phạm IUU thời gian qua.
Kết quả cho thấy có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là vi phạm IUU vẫn còn diễn ra. Trong 16 tàu cá vi phạm thời gian vừa qua, chỉ có 6 trường hợp đầy đủ chứng cứ, 10 trường hợp còn phải xem xét lại.
Thế nên tại cuộc làm việc với Đoàn thanh tra sắp tới đây, Bộ NNPTNT sẽ khẳng định vùng biển của Việt Nam rất rộng, vùng chồng lấn cần phải được xem xét lại.
Vấn đề quan trọng là đến giờ này chúng ta vẫn chưa hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, việc quản lý đội tàu và giám sát đội tàu chưa hoàn thành.
Việc giám sát sản lượng sản phẩm qua cảng chưa đảm bảo, dẫn tới khó trong truy xuất nguồn gốc, giám sát tàu và xử phạt tàu vi phạm.
"Theo kế hoạch, dự kiến Đoàn Thanh tra EC sang Việt Nam từ ngày 23/5 tới đây. Do vậy, các địa phương tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; chuẩn bị đầy đủ, chi tiết kế hoạch để làm việc với Đoàn Thanh tra EC. Tập trung vào công tác truyền thông, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xử lý vi phạm", Thứ trưởng Tiến khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.