Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Kiến Xương đầy nắng gió. Năm 1996 chị Trần Thị Tuyết lập gia đình nhưng không lâu sau chồng chị mắc phải căn bệnh hiểm nghèo qua đời để lại cho chị 2 đứa con thơ. Cuộc sống của mấy mẹ con chị tưởng như bị đảo lộn và lâm vào bế tắc hoàn toàn. Một mình chị phải làm lụng vất vả nuôi 2 con ăn học, khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Chị Tuyết đang kiểm tra vườn bưởi của gia đình.
Sau những ngày đau buồn, không đầu hàng số phận, chị Tuyết quyết tâm phải đứng vững, vừa làm tốt vai tròng người mẹ, vừa đóng thêm vai trò người cha để làm điểm tựa cho 2 đứa con. Tận dụng mảnh đất của gia đình, chị Tuyết bắt tay cải tạo, dần thực hiện kế hoạch sản xuất để nâng cao thu nhập...
Nhận thấy cây cà phê cho hiệu quả kinh tế cao và được nhiều nơi trong vùng trồng thành công. Năm 1999 chị đã mạnh dạn bỏ ra 10 triệu đồng mua cây giống về trồng thử trên 5.000m2 đất canh tác. Nhưng vườn cà phê của chị không chịu nổi sương muối vùng cao nên đã thất bại. Chị quay sang trồng 80 cây mận hậu và trồng xen canh 1 số cây cam nhưng lại một lần nữa trắng tay, lâm vào hoàn cảnh nợ nần chồng chất vì sương muối tàn phá.
Nét mặt vui mừng phấn khởi của chị Tuyết khi năm nay vườn bưởi cho trĩu quả
Vườn cây ăn quả xen canh của chị Tuyết được chăm sóc chu đáo nên luôn tươi tốt
Nhưng ý chí xóa nghèo và tình thương 2 đứa con nhỏ đã cho chị động lực để phấn đấu, vượt qua khó khăn. Chị Tuyết kể: “Khi nghe tin việc trồng cây bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao và có đầu ra ổn định. Tôi lại đi vay mượn anh em họ hàng chút vốn liếng để mua giống. Sau đó tôi bắt tay vào cải tạo lại vườn. Lúc đầu tôi trồng thử 50 gốc giống bưởi da xanh vào năm 2007. Thấy cây bưởi này thích nghi và phát triển tốt, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây, tôi lại trồng thêm với số lượng lớn. Đến nay trong vườn đã có hơn 300 gốc cây bưởi, cho tôi thu nhập cao mỗi năm”.
Nhờ vào sự cần cù chịu khó, dám nghĩ, dám làm, đến nay chị Tuyết đã có gần 1ha đất trồng cây ăn quả, trong đó phần lớn là bưởi da xanh. Trao đổi với phóng viên Dân Việt chị Tuyết cho biết thêm: “Trung bình mỗi cây bưởi cho thu hoạch khoảng 80 quả, thu nhập từ bưởi đã đạt 200 triệu/năm”.
Chị Tuyết đang chăm sóc vườn chè trồng xen canh dưới tán cây bưởi
Ngoài việc trồng bưởi da xanh chị Tuyết còn tận dụng đất trồng xen canh thêm cây chè dưới tán cây bưởi với diện tích gần 700m2 cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Trong khuôn viên trang trại, chị Tuyết còn chăn nuôi thêm gia cầm, trong đó tập trung vào đàn gà đẻ trứng, gà thả vườn...Từ cách làm hay là trồng xen canh bưởi da xanh và chè cùng với chăn nuôi, tổng thu nhập mỗi năm của chị Tuyết đạt gần 400 triệu đồng. Ngoài ra chị còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn trong vùng.
Chị Tuyết tâm sự: "Nhờ thành công trong kinh tế trang trại nên tôi đã có điều kiện tốt để chăm sóc con cái. Hiện con gái lớn của tôi đang học khoa kinh tế của trường Đại học Kinh tế quốc dân, con gái út đang học lớp 6.
Cán bộ xã đặt tay kiểm tra chi tiết quá trình phát triển của bưởi da xanh
Ông Sùng A Mang, Phó chủ tịch UBND xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu cho biết: “Chị Tuyết là một trong những điển hình vượt khó vươn lên làm giàu trên địa bàn xã chúng tôi. Không chỉ làm kinh tế giỏi mà chị Tuyết còn tích cực chia sẻ những kinh nghiệm làm giàu cho bà con trong vùng học và làm theo”.
Chị Tuyết đang hái những búp chè xanh để kiểm tra "sức khỏe" của cây chè.
Chị Tuyết trao đổi kinh nghiệm, kinh nghiệm tỉa lá và bón phân cho cây bưởi da xanh trồng xen cây chè với cán bộ xã Phổng Lái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.