Góc khuất bóng đá Việt Nam: “Cò”, “quản lý" và "đại diện cầu thủ” khác nhau ra sao?

Tùng Lâm - Cao Oanh Thứ hai, ngày 26/04/2021 10:10 AM (GMT+7)
Đại diện cầu thủ là một công việc khá phổ biến với bóng đá thế giới, nhưng vẫn còn quá mới ở Việt Nam. Trong bóng đá hiện đại ngày nay, các cầu thủ, HLV thường tìm cho mình một người đại diện, nhằm có được sự hỗ trợ từ quản lý tài chính, giải quyết chuyện đời tư hay định hướng sự nghiệp...
Bình luận 0

Để độc giả có được một cái nhìn rõ nét hơn về nghề đại diện cầu thủ ở Việt Nam, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà báo Lương Xuân Thủy - một người có hơn 10 năm gắn bó với bóng đá nội, từng kinh qua nhiều tờ báo thể thao như Thể Thao Ngày Nay, báo Bóng Đá…, đồng thời có những hiểu biết sâu sắc về nghề đại diện cầu thủ tại Việt Nam cũng như những vấn đề mà các cầu thủ Việt Nam phải đối mặt khi không có một người đại diện chính thức.

Góc khuất bóng đá Việt Nam: “Cò”, “quản lý" và "đại diện cầu thủ” khác nhau ra sao? - Ảnh 1.

Đặng Văn Trâm phải rời CLB Viettel ngay giữa giai đoạn 1 V.League vì hết hợp đồng.

- Chào anh, thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng một số cầu thủ như Đặng Văn Trâm, Trương Văn Thiết, Trần Ngọc Sơn… khi đến thời điểm hết hợp đồng với đội bóng chủ quản là Viettel, thì phía lãnh đạo CLB án binh bất động. Điều này khiến các cầu thủ kể trên tiến thoái lưỡng nan. Nếu gia hạn sau khi hết hợp đồng hoặc chuyển sang CLB khác thì họ coi như không được thi đấu tiếp ở giai đoạn lượt đi. Chưa kể, việc ký một hợp đồng mới trong thời điểm mùa giải đang diễn ra cũng khiến họ có thể bị thiệt thòi về mặt lương bổng… Theo anh, những trường hợp như trên, nếu có người đại diện chuyên nghiệp, liệu họ có bị rơi vào tình trạng bị động như vậy không? Và liệu người đại diện có thể giúp gì để sự nghiệp của họ diễn ra thuận lợi hơn?

Đúng như anh nói, trường hợp của một số cầu thủ Viettel mà anh nhắc tới là điều thường thấy ở bóng đá Việt Nam. Khi đáo hạn hợp đồng, họ thường rơi vào thế bị động trong quá trình đàm phán với CLB chủ quản, hay hoang mang trong việc tìm bến đỗ mới. Thậm chí, họ không thể "nắm đằng chuôi" trong các bản hợp đồng đó. Tại sao ư? Đó là do trước đây, khi ký các hợp đồng đào tạo trẻ hay chuyên nghiệp, nhiều cầu thủ không đọc kỹ bản hợp đồng đó ghi những gì. Hoặc nếu có đọc thì cũng không lường hết những điều khoản có thể gây bất lợi cho họ trong tương lai.

Tôi được biết, không ít CLB khôn ngoan. Họ thường cho cầu thủ ký hợp đồng vào thời điểm ngày cuối cùng của thời hạn hết hợp đồng hoặc ký vào lúc các cầu thủ vừa… ngủ đậy. Ở những thời điểm đó, nhiều cầu thủ ký cho xong và thậm chí, còn không biết rằng, mình có quyền giữ lại một bản theo quy định của hợp đồng lao động. Điều này gây khó khăn cho việc gia hạn hợp đồng sau hoặc tìm bến đỗ mới. Vì họ không biết trong hợp đồng ghi những gì.

Quay trở lại câu hỏi của anh, rõ ràng, nếu cầu thủ Việt Nam có người đại diện, họ sẽ tránh được những điều đáng tiếc kể trên. Bởi người đại diện, về lý thuyết, sẽ phải am hiểu những vấn đề liên quan tới hợp đồng hay luật lao động, qua đó sẽ tư vấn cho cầu thủ ký một bản hợp đồng theo đúng tinh thần của luật lao động, đảm bảo được quyền lợi cho họ. Và điều cuối cùng, trước khi hợp đồng đáo hạn, người đại diện ít nhất cũng đã đàm phán được việc đi hay ở của cầu thủ.

Góc khuất bóng đá Việt Nam: “Cò”, “quản lý" và "đại diện cầu thủ” khác nhau ra sao? - Ảnh 2.

Nhà báo Lương Xuân Thủy.

- Chúng ta đang nói về người đại diện cho cầu thủ. Ở Việt Nam, khái niệm này chưa được hiểu đúng?

Đúng vậy! Trong đời sống bóng đá hiện tại của Việt Nam đang có ba khái niệm liên quan tới điều mà chúng ta đang bàn. Đó là "cò", "người quản lý" và "người đại diện".

Từ "cò" trong bóng đá Việt Nam xuất hiện rất sớm, ngay thời điểm V.League chuyển lên chuyên nghiệp (vào đầu những năm 2000). Vai trò của "cò" hiểu nôm na là đứng ra để "đạo diễn" các vụ chuyển nhượng của một cầu thủ chuyển sang đội bóng khác khi hết hợp đồng. Đơn giản chỉ có vậy.

Gần đây, chúng ta thấy xuất hiện hai cụm từ "quản lý cầu thủ" và "người đại diện cầu thủ". Không ít người sẽ giới thiệu mình là "quản lý của cầu thủ nào đó"; thậm chí, bản thân cầu thủ cũng sẽ nói "đây là quản lý của tôi".

Theo ý kiến cá nhân tôi, không nên gọi là "quản lý cầu thủ". Cầu thủ là tài sản của một đội bóng và đang thực hiện hợp đồng lao động với động bóng đó. Họ không thuộc quyền quản lý của một cá nhân hay một công ty nào khác ngoài CLB đang thi đấu. Hơn nữa, phạm trù của cụm từ "quản lý" rất rộng và mang ý nghĩa lệ thuộc hơn rất nhiều.

Tôi hỏi anh nhé? Giả sử, anh là CEO của một đội bóng, anh nghe ai đó nói rằng, họ là quản lý của cầu thủ đang thuộc biên chế của anh, anh có vui không? Chắc chắn là không rồi?!

Cụm từ "đại diện cầu thủ" (football agent) theo tôi là đúng nhất. Bóng đá thế giới họ cũng sử dụng cụm từ này. Họ chính là người người được cầu thủ ủy quyền để giải quyết các vấn đề cá nhân, pháp lý.

Đôi khi chỉ là cách gọi. Nhưng chúng ta cần hiểu đúng khái niệm thì mới hoàn thành đúng sứ mệnh, cũng như góp phần đưa bóng đá Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn.

Góc khuất bóng đá Việt Nam: “Cò”, “quản lý" và "đại diện cầu thủ” khác nhau ra sao? - Ảnh 3.

Công Phượng có hẳn công ty đại diện riêng.

- Trong một bài phỏng vấn với báo chí cách đây không lâu, một nhân vật được cho là quản lý của một số cầu thủ nổi tiếng như Mạc Hồng Quân (Than Quảng Ninh) hay Phạm Đức Huy (Hà Nội FC) nhấn mạnh: vị này coi các cầu thủ của mình như những ca sĩ, hoa hậu... mà mình đang quản lý. Liệu anh có đồng ý với quan điểm này?

Nếu lấy hệ quy chiếu là từ "quản lý" thì nói thế cũng có lý đấy chứ?!. Nhưng nếu là "người đại diện" thì hơi sai sai thì phải.

Nói vui vậy thôi. Quan trọng nhất vẫn là hiệu quả, chất lượng công việc và quan trọng, mỗi người có những quan điểm, triết lý làm việc khác nhau

Quan điểm của tôi? Không nên đánh đồng việc quản lý cầu thủ chung với giới showbiz. Phông văn hóa của của bóng đá rất khác so với giới showbiz. Chưa kể, bóng đá Việt Nam có đặc thù riêng, nhiều góc khuất.

Tôi hy vọng, những ai đang làm công việc hỗ trợ, quản lý hay đại diện cho cầu thủ có sự am hiểu nhất định về bóng đá. Chỉ có như vậy, họ mới tháo gỡ được những nút thắt khó nhằn khi đối mặt.

Góc khuất bóng đá Việt Nam: “Cò”, “quản lý" và "đại diện cầu thủ” khác nhau ra sao? - Ảnh 4.

Mạc Hồng Quân.

- Đại diện cầu thủ vẫn còn là một công việc khá mới lạ tại Việt Nam. Theo anh, một người để có thể làm đại diện cầu thủ thì cần những yếu tố nào?

Để trở thành người đại diện, ngoài việc am hiểu về bóng đá, bạn phải có tầm nhìn, tâm lý và đặc biệt là cái tâm. Bên cạnh đó, "người đại diện" nên có sự hiểu biết nhất định về Luật lao động hoặc ít nhất có người hỗ trợ về vấn đề này.

Tôi chia sẻ thêm một chút như thế này về người đại diện, dù công việc của người đại diện cho cầu thủ tại Việt Nam đang hoạt động nhưng thực tế, vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Một phần vì cầu thủ của chúng ta chưa nhận ra tầm quan trọng của việc phải có người đại diện. Và quan trọng nhất, người đại diện chưa hoạt động thực sự hiệu quả.

Góc khuất bóng đá Việt Nam: “Cò”, “quản lý" và "đại diện cầu thủ” khác nhau ra sao? - Ảnh 5.

Bùi Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải trong màu áo CLB Viettel.

… Cụ thể hơn đi anh?

Tôi quan sát thấy bức tranh về "người đại diện" cầu thủ ở Việt Nam đã hình thành nhưng chưa thực sự rõ ràng. Cũng vì thế rất khó đánh giá được hiệu quả. Nhiều lúc, nó là thứ hữu hình. Đôi khi, chúng ta chỉ đang nhìn vào số lần quảng cáo trên TVC hoặc facebook của một cầu thủ để đánh giá. Nó không hoàn toàn đúng.

Hiệu quả của một người đại diện không chỉ là các bản hợp đồng thương mại. Mà chính là giúp cầu thủ toàn tâm toàn ý vào việc thi đấu trên sân cỏ; là những định hướng tốt đẹp, phát huy được đúng giá trị của cầu thủ ấy.

Theo tôi, một vài người đại diện ở Việt Nam đã, đang làm được những điều kể trên.

Góc khuất bóng đá Việt Nam: “Cò”, “quản lý" và "đại diện cầu thủ” khác nhau ra sao? - Ảnh 6.

Nhà báo Lương Xuân Thủy chia sẻ về câu chuyện người đại diện tại Việt Nam.

- À, anh có nói rằng: "Cầu thủ của chúng ta chưa nhận ra tầm quan trọng của việc phải có người đại diện". Anh có thể nói chi tiết hơn!

Đây là bài toán khá nan giải. Bởi nó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Bản thân các cầu thủ khi có "sự cố" thì mới cần đến sự giúp đỡ. Xong việc, họ lại thấy không cần thiết. Có thể, đây là thói quen hình thành từ trước đây của các cầu thủ Việt Nam.

Thêm nữa, theo quan điểm của tôi, không phải cầu thủ lên tuyển, không phải ngôi sao nổi tiếng, mà những cầu thủ bình thường cũng nên có người đại diện. Họ không có những bản hợp đồng thương mại nhưng họ cần một người giúp mình đi đúng hướng. Một người có thể giúp họ tháo gỡ những vấn đề tâm lý!

Cuối cùng, việc cầu thủ lựa chọn ai làm người đại diện cho mình nên đi cùng nhau một con đường dài, rất dài! Cả hai phải có niềm tin và kiên định với nhau.

Góc khuất bóng đá Việt Nam: “Cò”, “quản lý" và "đại diện cầu thủ” khác nhau ra sao? - Ảnh 7.

Tiền đạo Nguyễn Văn Quyết.

Anh đánh giá như thế nào về phản ứng của CLB dành cho khái niệm "người đại diện" Ở Việt Nam?

- Cái này khá nhạy cảm. Ở đâu đó, chúng ta thấy một vài quy định siết chặt dành cho cầu thủ về vấn đề "người đại diện". Họ thậm chí còn ghi rõ CLB là đại diện "duy nhất" của cầu thủ mà họ đang quản lý. Theo cá nhân tôi, về cơ bản, CLB vẫn muốn tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất cho cầu thủ. Nhưng dù sao, các CLB cũng nên có những giải pháp phù hợp, thấu tình đạt lý. Tránh việc cầu thủ cảm giác như họ bị trói. Và việc cho phép cầu thủ lựa chọn "người đại diện" là điều đúng đắn. Vấn đề chính của câu chuyện này là gì? Là sự phối hợp giữa ba bên: CLB chủ quản, cầu thủ và người đại diện làm sao cho hiệu quả, các bên cùng có lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem