Với những người yêu mến Kim Dung, hẳn ai cũng nhận ra những nhân vật chính của Kim gia như Quách Tĩnh, Trương Vô Kỵ, Dương Quá... trước khi trở thành các quán tuyệt quần hùng, họ đều nếm trải muôn vàn bất hạnh, đắng cay. Nhưng có lẽ nhân vật bất hạnh, khổ đau nhất trong truyện Kim Dung, chính là nhất đại kiêu hùng Kiều Phong.
Chuỗi đời bất hạnh của Kiều Phong bắt đầu từ trận chiến đầu tiên trên Nhạn Môn Quan khi chàng mới là đứa bé tròn 1 tuổi nằm trong nôi. Khi ấy, vì mắc mưu của Mộ Dung Bác, các đại cao thủ của võ lâm Trung Nguyên đã vây đánh cha mẹ Tiêu Phong, mẹ chàng tử nạn còn cha chàng là Tiêu Viễn Sơn sau khi báo thù đã ôm cả Tiêu Phong nhảy xuống vực. Vì thương con nên cuối cùng Tiêu Viễn Sơn đã ném chàng trở lại.
Trong đám người vây hãm Tiêu Viễn Sơn bị thương không chết, bang chủ Cái Bang và Huyền Khổ đại sư của Thiếu Lâm tự đã đem Kiều Phong về và giao cho một gia đình nông dân nuôi dưỡng. Kiều Phong được Huyền Khổ truyền thụ võ công và làm đệ tử Cái Bang. Vậy là từ lúc mới nằm trong nôi, Tiêu Phong đã mất cha mất mẹ, rồi phải nhận giặc làm thầy.
29 năm sau, Kiều Phong tròn 30 tuổi thì những biến cố bất hạnh tiếp theo bắt đầu.
Lúc này, với tài năng, đức độ của mình, Kiều Phong đang là bang chủ Cái Bang, được giang hồ ca tụng là đại anh hùng, là cao thủ số 1 võ lâm với lời truyền Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung (nhà Mộ Dung Cô Tô ở Giang Nam). Nhưng đang lúc ở đỉnh cao danh vọng, trong 1 lần xuống Giang Nam, chàng lại bị mưu hại đến thân bại danh liệt, mất chức bang chủ và trở thành 1 kẻ không rõ thân thế, nguồn gốc. Cả giang hồ đã đổ tội giết cha mẹ, giết thầy, giết bằng hữu lên đầu Kiều Phong và ráo riết truy sát chàng.
A Châu - tình yêu lớn nhất trong đời Kiều Phong.
Và trong quãng đời chém giết cô khổ ấy thì Kiều Phong gặp được A Châu, người con gái Giang Nam đã mang đến ước mơ, mang đến hi vọng, mang đến tình yêu cuộc sống và tưới mát cả tâm hồn đang khô héo của chàng. Nhưng nghiệt ngã thay, cũng lại vì giang hồ hiểm ác mà Kiều Phong đã lỡ tay đánh chết A Châu, dập tắt cả ước mơ về cuộc sống tiêu dao miền tái ngoại của 2 người và chính bản thân chàng từ đó trở đi cũng sống không bằng chết.
Để hòa giải mối hận của Kiều Phong với cha mình là Đoàn Chính Thuần, A Châu giả thành cha đến gặp người yêu, nhưng lại vô tình bị chàng dùng một chiêu Kháng long hữu hối đánh thẳng vào người, cướp đi sinh mệnh.
Về sau, chàng tìm lại được cha đẻ của mình là Tiêu Viễn Sơn. Năm xưa, ông nhảy xuống vực sâu tự tử nhưng vì vướng vào cây cối nên không chết. Nhưng thật trớ trêu thay, lúc Kiều Phong tìm lại được cha thì cũng là lúc Tiêu Viễn Sơn quy y cửa Phật, bỏ mặc con trai quỳ gối 7 ngày 7 đêm cũng không ra gặp mặt.
Cuối cùng, trong trận chiến thứ 2 tại Nhạn Môn Quan, vì để tránh họa binh đao cho bá tánh 2 nước Tống – Liêu, Kiều Phong đã bị vua Liêu là Gia Luật Hồng Cơ hạ chỉ cấm trở về đại mạc, nơi chôn rau cắt rốn của chàng. Lúc này, Kiều Phong đã trở thành 1 kẻ vô thân vô thích, không nhà không cửa, có quê nhưng chẳng có đường về. Còn con tim chàng thì đã chết cùng nàng A Châu thương yêu.
Kiều Phong đã tự vẫn ngay tại Nhạc Môn Quan, tại chính nơi mà 30 năm trước, chàng từ cái chết tìm về sự sống và đến giờ lại từ sự sống bay về với cõi chết. Thân thể Kiều Phong lại gieo mình xuống vực thẳm một lần nữa, kết thúc 30 năm oanh liệt nhưng đầy đau khổ và cũng là khép lại kiệt tác kinh điển Thiên Long Bát Bộ của Kim gia.
Tổng hợp (Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.