Góc nhìn pháp lý vụ người phụ nữ bị tình trẻ dùng clip ân ái tống tiền

Quang Trung Thứ bảy, ngày 08/07/2023 19:00 PM (GMT+7)
Trong những lần hẹn hò, Phạm Viết Khoa quay clip lúc ân ái với người phụ nữ đã có gia đình ở Thanh Hóa rồi tống tiền khi người này chấm dứt mối quan hệ. Theo luật sư, hành vi của Khoa đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Bình luận 0

Công an huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa vừa tiến hành bắt quả tang Phạm Viết Khoa (SN 1997, ngụ xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".

Góc nhìn pháp lý vụ người phụ nữ bị tình trẻ dùng clip ân ái tống tiền - Ảnh 1.

Phạm Viết Khoa tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 3 đến tháng 6/2023, Khoa có quen và nảy sinh tình cảm với chị T. Trong nhiều lần hẹn hò, Khoa đã sử dụng điện thoại để quay lại cảnh ân ái giữa hai người.

Đầu tháng 6/2023, sau khi biết được chị T. đã có gia đình và bản thân chị T. cũng muốn chấm dứt tình cảm với mình nên Khoa nhiều lần đe dọa, uy hiếp nếu không đưa 5 triệu đồng thì sẽ gửi hình ảnh, video lúc ân ái giữa hai người lên mạng xã hội và gửi cho người thân chị T.

Do lo sợ nên chị T. đã chuyển cho vào tài khoản ngân hàng cho Khoa 3 triệu đồng. Còn 2 triệu đồng chị T. muốn gặp mặt đưa trực tiếp để Khoa xóa hết các hình ảnh, clip.

Khi Khoa đang nhận 2 triệu đồng tiền mặt thì bị lực lượng công an bắt quả tang. Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ 1 xe máy, 1 điện thoại di động và 2 triệu đồng tiền mặt.

Tại cơ quan công an, Khoa khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, những vụ án như trên hiện nay tương đối nhiều, nhưng điều đáng nói là nhiều nạn nhân do xấu hổ, do sợ ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của bản thân nên chọn cách im lặng thoả hiệp để đưa tiền theo lời đề nghị của đối tượng xấu.

Trong vụ án này, hành vi của đối tượng là dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản thông qua việc đe dọa, ép buộc, uy hiếp tinh thần nạn nhân bằng các hình ảnh và clip nóng, khiến nạn nhân lo sợ mà phải chuyển giao tài sản một cách miễn cưỡng.

Do vậy, hành vi của đối tượng đã cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.

Luật sư Đồng phân tích, pháp luật quy định người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình thực hiện là nguy hiểm cho xã hội. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố bắt buộc về mặt chủ quan của cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản, nếu không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, các hành vi này không phải là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm.

Việc người thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần người khác có chiếm đoạt tài sản hay không không ảnh hưởng đến việc định tội danh.

Từ phân tích trên, vị luật sư cho rằng, hành vi của đối tượng đã có đủ cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản.

Vì thế, nếu bị chứng minh có tội, với số tiền cưỡng đoạt là 5 triệu đồng như thông tin ban đầu, đối tượng có thể phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 1 đến 5 năm theo khoản 1, Điều 170.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem