Góc nhìn pháp lý vụ phá đường dây lừa đảo hàng trăm tỷ đồng tại khu Tam giác vàng

Quang Trung Thứ sáu, ngày 09/08/2024 18:15 PM (GMT+7)
155 người bị cáo buộc tham gia tổ chức lừa đảo hàng trăm tỷ đồng qua mạng tại khu Tam giác vàng. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ việc này.
Bình luận 0

Lừa đảo qua mạng hàng trăm tỷ đồng

Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an Lào và các đơn vị liên quan bắt giữ 155 nghi phạm người Việt Nam đang hoạt động tại khu Tam giác vàng (Lào) để điều tra các hành vi liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ gần 100 quyển hộ chiếu, 74 viên hồng phiến, 18.900 nhân dân tệ, hàng chục máy tính và gần 500 điện thoại cùng hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ dùng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Góc nhìn pháp lý vụ phá đường dây lừa đảo hàng trăm tỷ đồng tại khu Tam giác vàng - Ảnh 1.

Hình ảnh các đối tượng lúc bị bắt giữ. Ảnh: CACC.

Đại tá Phạm Thanh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bộ máy tổ chức tội phạm này rất chuyên nghiệp, do người nước ngoài quản lý, hoạt động xuyên biên giới, lừa đảo trên không gian mạng, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của hàng nghìn nạn nhân Việt Nam.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đang mở rộng chuyên án và thông báo ai là nạn nhân của đường dây lừa đảo trên, cần liên hệ, trình báo để được phối hợp giải quyết.

Người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, trên không gian mạng có liên quan đến người Việt Nam, tài sản bị mất có nguồn gốc ở Việt Nam, nạn nhân là người Việt Nam, đều thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam. 

Bởi vậy, dù các đối tượng thực hiện hành vi ở nước ngoài, là người nước ngoài nhưng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhưng nạn nhân là người Việt Nam, tiền của người bị hại chuyển đi từ Việt Nam thì sẽ áp dụng quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam để xử lý.

Theo quy định, hành vi mạo danh người khác, đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản hoặc dùng các phương thức thủ đoạn gian dối làm cho nạn nhân hiểu lầm chuyển tiền rồi các đối tượng chiếm đoạt, đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Toàn bộ các tài sản do phạm tội mà có, có nguồn gốc từ tội phạm đều phải được tịch thu để xử lý theo quy định của pháp luật, trả lại tiền cho người bị hại.

Theo ông Cường, trong vụ án này, những ai bị các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng cần trình báo sự việc với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin để được xác định là người bị hại trong vụ án.

Góc nhìn pháp lý vụ phá đường dây lừa đảo hàng trăm tỷ đồng tại khu Tam giác vàng - Ảnh 2.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Người bị hại có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu, có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, các biện pháp ngăn chặn để tránh việc tẩu tán tài sản.

Vị chuyên gia nói thêm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sử dụng công nghệ cao, thực hiện trên mạng Internet là vấn đề đang rất nhức nhối trong thời gian qua, các đối tượng liên tục thay đổi phương thức thủ đoạn phạm tội, thường là ở nước ngoài nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý.

Với đặc điểm của mạng Internet và giao tiếp gián tiếp nên việc mạo danh người khác khá dễ dàng, nhiều người nhẹ dạ cả tin, thiếu kỹ năng sống, thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống có vấn đề nên dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhiều giải pháp đã triển khai quyết liệt, tuy nhiên, nhiều người vẫn sập bẫy.

"Lừa đảo trên không gian mạng trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới, xâm phạm nghiêm trọng tới quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân, ảnh hưởng đến các hoạt động dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội", ông Cường nói và cho biết, trong vụ việc trên, ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng sẽ làm rõ thêm các hành vi phạm tội khác để xử lý triệt để.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem