Ký ức một thời máu lửa

Chủ nhật, ngày 21/07/2013 06:18 AM (GMT+7)
Một sáng giữa tháng 7, chúng tôi tìm gặp người chính trị viên năm xưa đã dẫn đầu hàng nghìn thanh niên xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...
Bình luận 0
Người cựu thanh niên xung phong (TNXP) ấy là ông Trần Võ Tánh, SN 1934, ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Quá khứ hào hùng
Trong căn phòng truyền thống của Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa có 1 lá cờ bị thủng chi chít vì bom đạn. Gần 40 năm trước, lá cờ ấy đã từng tung bay trên đỉnh Trường Sơn như một đốm sáng, thắp lên niềm tin tuổi trẻ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với tinh thần: “Sống bám đường, bám cầu- Chết kiên cường, dũng cảm”.
Ông Trần Võ Tánh bên người bạn đời.
Ông Trần Võ Tánh bên người bạn đời.

Xuất thân từ nghề giáo, tháng 6.1964 ông Tánh được điều chuyển về Tỉnh đoàn Thanh Hóa. Năm 1965, giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, ông được điều sang Ban chỉ đạo thành lập TNXP Thanh Hóa. Đầu năm 1966, ông làm đội phó kiêm Bí thư Đoàn TNXP 263 trên địa bàn “đất lửa” Tĩnh Gia, có nhiệm vụ đảm bảo thông suốt cả hai tuyến đường sông và đường bộ Tĩnh Gia - Nghệ An. Trong thời kỳ này, ông và đồng đội đã lập nhiều chiến công xuất sắc.
Tháng 6.1966, cục diện cuộc chiến trở nên ác liệt, ông nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Chiều 18.6.1966, trên bãi phi lao thuộc xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), chính trị viên đội TNXP Trần Võ Tánh nhận lá cờ của lãnh đạo tỉnh tặng với dòng chữ “Phát huy truyền thống Thanh Hóa anh hùng” và làm lễ xuất quân. Không kịp về thăm nhà, ông cùng đơn vị hành quân vào tiền tuyến.
Vậy là 1.500 TNXP Thanh Hóa cùng với vũ khí là cuốc, xẻng do ông dẫn đầu hành quân suốt 24 ngày đêm vào Bố Trạch, Quảng Bình. Tại đây, đơn vị được biên chế thành Tiểu đoàn 15, thuộc Binh trạm 14, Đoàn 559 với nhiệm vụ hết sức nặng nề: “Đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Bốc xếp hàng, vận chuyển thương binh trên cả 2 tuyến đường Trường Sơn (đường 20): Từ km số 0 (nam bến phà Xuân Sơn) đến km 65 (ngầm Aki) và đường 15 từ cây số 0 đến cây số 54 (phà Long Đại)”.
Đây cũng là thời kỳ máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất. Có lẽ trong ký ức của người lính vượt Trường Sơn đánh Mỹ, không ai có thể quên được hình ảnh những cột tiêu sống bằng da bằng thịt của các nữ TNXP ngâm mình dưới nước bên những ngầm trọng điểm hay những cây cầu chìm sâu dưới nước trong những đêm trời tối để những đoàn xe yên tâm vượt qua. Dưới mỗi bước chân bộ đội hành quân, mỗi bánh xe lăn qua đều thấm máu và nước mắt của nhiều chiến sĩ TNXP.
Trăn trở vì đồng đội
Cuối năm 1970, tỉnh Thanh Hóa lại điều động 2.000 TNXP vào chiến trường thay thế. Ông Trần Võ Tánh cùng một số đồng đội về quê hương sau 5 năm phục vụ chiến trường.
Đến năm 1971, giặc Mỹ đánh phá trở lại miền Bắc, tỉnh Thanh Hóa thành lập Đội TNXP (nhiệm kỳ III) gồm 3.000 người. Ông Trần Võ Tánh lại được cử đi chỉ huy 21 đại đội TNXP trấn ải tuyến đường 1A từ cầu Tào Xuyên (Hoằng Hóa) đến khe Nước Lạnh (Tĩnh Gia), sau đó là tuyến đường 15A làm nhiệm vụ thông tuyến, mở đường, tháo bom… cho những chuyến xe đi chi viện chiến trường.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, chỉ tính riêng tỉnh Thanh Hóa, đã có hơn 3.000 TNXP nằm lại trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.


Câu chuyện như chạm vào khí thế hào hùng một thuở của người lính, ông nói tuôn trào với nhiều cảm xúc của một thời không thể nào quên... Bất chợt ông chùng lại với đôi mắt xa xăm: “Tôi không thể nào quên trận bom B52 ở ngã ba Chuồng - Nông Cống. Trận ấy, cả tiểu đội nữ 12 người đang làm nhiệm vụ đều hy sinh hết. Tôi nhặt từng mảnh thi thể của đồng đội về chia làm 12 phần để chôn cất. Trong số những người hy sinh hôm ấy, có đồng chí Lê Thị Bồng quê ở Vĩnh Lộc vừa có quyết định kết nạp Đảng, ngay ngày hôm sau, chi bộ đã làm lễ kết nạp cho cô ấy”.
Hòa bình lập lại, ông vẫn còn gắn bó một thời gian dài với TNXP trong quá trình làm Quốc lộ 217, sau đó đi học. Năm 1979, ông trở về phụ trách đội thanh niên tình nguyện 221 san lấp những “vết thương” chiến tranh ở thị xã Thanh Hóa. Năm 1981, ông giữ chức Chánh văn phòng UBND thị xã Thanh Hóa, rồi làm Trưởng phòng Văn hóa- Thể thao; Giám đốc Trung tâm Văn hóa -Thể thao TP.Thanh Hóa. Sau khi về hưu, ông lại giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa.
Thẳm sâu trong tâm hồn của người lính già ấy, những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội vẫn không thể phai mờ. Hàng năm, ông vẫn dành dụm số tiền lương ít ỏi để thăm lại chiến trường xưa, tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống. Ông còn thu thập, ghi chép danh sách đồng đội đã hy sinh, tìm kiếm thông tin những người bị thất lạc gửi về địa phương, tri ân những người đã hy sinh cho đất nước.
Hoài Thu - Hồng Đức ( Hoài Thu - Hồng Đức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem