Ngư dân Huỳnh Luận - thuyền trưởng tàu QNg 94559 TS cho biết: “Bà con ở đây làm 2 nghề, là lưới rút và lưới rê. Ngư dân 2 nghề này đua nhau làm ăn, nhưng năm nay làm lưới rê trúng quá”.
Hùn vốn đóng tàuTrước ngày xuất hành, quán nước bình dân đầu làng là điểm họp mặt của các thuyền trưởng. “Tại sao tàu của ông Sáu mới mở ra 5 bữa mà đã kiếm được cả trăm triệu?”- có thuyền trưởng đặt câu hỏi. Các ngư dân cũng chia sẻ thông tin bí mật về luồng cá với bạn...
Đội tàu của ngư dân xã Phổ Quang.
Theo các ngư dân, nghề lưới rút hơn thua nhau ở việc tìm được luồng cá. Muốn đánh bắt thành công, các thuyền trưởng phải giữ mối quan hệ thân thiết. Ra biển đánh bắt, không gặp luồng cá thì cầu cứu anh em trong đoàn. Có thuyền trưởng đánh vài nhát lưới, nhẩm tính thấy bị lỗ, vậy là thuyền trưởng lên máy Icom cầu cứu anh em cung cấp điểm cá. Bấm định vị, cho tàu lao tới, đánh vài phiên đầy hầm cá, vậy là tránh khỏi thua lỗ. Nhiều cửa biển ở Quảng Ngãi hiện bị bồi lấp nên phần lớn tàu cá công suất lớn ở Bàng An và Phàn Thất lưu lạc ở các cửa biển ngoài tỉnh. Đến cửa biển Mỹ Á hỏi về đi biển, nhiều chủ tàu chỉ lên Bàng An, Phàn Thất: “Bọn tôi chỉ đánh bắt cò con, lên xóm trên hỏi, toàn tàu đánh bắt tiền tỷ”.
Trước đây, Bàng An và Phàn Thất là 2 xóm nghèo. Những trai đinh của làng kéo ra Đà Nẵng thuê tàu cá để đi khơi. Chủ tàu thấy những ngư dân này đi biển khá, ăn chia sòng phẳng nên tin tưởng giao tàu trọn gói.
Tàu thuê đi biển, chủ tàu và bạn lái ăn chia theo tỷ lệ 6-4. Ngư dân Ngô Đẹp cho biết: “Ra biển phải làm cật lực để kiếm tiền vô trả phí tổn và chia 4 phần cho chủ. Cuộc đời thuê tàu cũng nhiều vui, buồn. Khi tàu ở ngoài khơi, ông chủ tàu điện ra thông báo giá cá 15. Lúc tàu cập bến thì rớt xuống 13. Mệt mỏi vì chuyến biển dài ngày, các ngư dân nản lòng hơn khi giá cả do người khác quyết định. Chủ tàu đứng ra bán cá, thông đồng với chủ nậu xà xẻo thêm mấy phần của ngư dân...”.
Tất cả tàu cá của 2 thôn đều hành nghề xa bờ. Các ngư dân mua thêm máy Icom tầm xa đặt tại nhà để nắm thông tin. Trên mỗi chiếc tàu ra khơi đều trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại để phục vụ việc đánh bắt. Các thuyền trưởng còn chia sẻ thông tin về tàu lạ của nước ngoài để sẵn sàng ứng phó...
|
Ông Huỳnh Hợp - một ngư dân già nhớ lại: “Tôi ra quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng thuê được chiếc tàu và rủ mấy anh em bạn đi biển. Làm ăn được mấy năm, anh em tôi bàn tính phải tự đóng tàu đi làm chứ không thể làm biển theo kiểu thuê tàu suốt đời”.
Vậy là hàng trăm ngư dân ở Bàng An và Phàn Thất lo chuyện hùn tiền đóng tàu. Ai ít vốn thì hùn 10 người đóng một tàu. Ai kinh tế khá hơn thì 4-5 người. 3-4 người chung một chiếc tàu, khi làm ăn khá thì tách ra thành một đôi tàu. Từ khi chỉ vỏn vẹn có 6 chiếc tàu, giờ đội tàu của các lão nông đã phát triển lên 120 chiếc, tàu có công suất lớn nhất là 700 mã lực. Các ngư dân dự tính sẽ đóng tàu 1.000 mã lực trong thời gian tới.
Ra khơi là thắng lớn“Ở rìa ngoài có 2 cây cá, nếu bao cho kỹ kiếm được vài tấn cá ngừ sọc dưa...”. Vào một đêm ở vùng biển Trường Sa, đài Icom trên tàu cá QNg 94559TS do ngư dân Huỳnh Luận làm thuyền trưởng nhận được thông tin về luồng cá. Ngư dân tàu QNg 98559 TS mở tần số riêng điện báo. Các ngư dân tranh thủ kéo hết giàn lưới lao đến tọa độ mới... Đoàn kết trên biển là yếu tố đầu tiên giúp những con tàu ở Bàng An và Phàn Thất ra khơi là thắng lớn.
Hiện nay ngư dân 2 thôn đánh bắt bằng các phương tiện hiện đại. Giàn lưới dài hơn 20km. Hàng ngày, vào 17 giờ, ngư dân bủa lưới xuống biển, đến 23 giờ thì kéo lên. Nhờ lắp hệ thống tời thu lưới, ngư dân đỡ vất vả. Công việc kết thúc trời cũng vừa hừng đông. Trước đây, kéo lưới thủ công phải đến trưa mới xong.
Nguyễn Văn Chương (Nguyễn Văn Chương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.