Góp ý vụ chặt 6.700 cây xanh: Đường dây nóng “nói” gì?

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 20/03/2015 14:53 PM (GMT+7)
Sau khi người dân lên tiếng phản đối việc chặt hạ nhiều cây xanh trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, đại diện của đơn vị quản lý cây xanh Hà Nội đã gắn biển vào những cây xanh sắp chặt hạ để trưng cầu ý kiến của người dân.
Bình luận 0
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh tại 190 tuyến phố. Người dân khi nhìn thấy cảnh cây xanh nhiều năm tuổi bị chặt hạ đã không khỏi xót xa, nuối tiếc. Thậm chí, nhiều người đã bày tỏ bức xúc của mình qua mạng xã hội.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, từ chiều 19 đến 20.3, đơn vị đã treo 70 biển trưng cầu ý kiến người dân về việc chuẩn bị thay thế cây xanh mối mọt, chết, cong nghiêng trên địa bàn 4 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm.

img
Cây xà cừ trên tuyến phố Trần Phú được treo biển trưng cầu ý kiến người dân.
Sau khi treo biển 1 tuần, công ty sẽ tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân qua số máy 04.39764540, có nhân viên trực 24/24h. Trong trường hợp người dân không có ý kiến phản đối, cây sẽ được đánh chuyển, thay thế bằng một cây đúng chủng loại, kích thước theo quy định.

Ghi nhận của phóng viên sáng 20.3, cây xanh bị chết, cong nghiêng trên tuyến phố Trịnh Hoài Đức, Trần Phú, Lý Nam Đế… đã được treo một tấm biển trưng cầu ý kiến người dân. Tấm biển có kích thước 30x20cm, chất liệu bằng tôn, có ghi rõ: “Cây dự kiến đánh chuyển, cây trồng mới”.

Bà Nguyễn Thị Sáu (65 tuổi, người dân sống trên phố Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa) cho hay, khi nghe tin Hà Nội chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh, bà đã “sốc”. Bà Sáu cho rằng, trước khi chặt cây, chính quyền phải lấy ý kiến người dân.

“Hôm qua tôi có đi qua tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, thấy nhiều cây xanh lớn đang sung sức bị chặt hạ mà thấy đau lòng, xót xa. Tôi đồng ý chặt hạ những cây xanh chết, sâu mục gây ảnh hưởng tới người dân, còn những cây xanh lớn như xà cừ, bằng lăng, bàng vẫn đang xanh tốt thì không nên chặt hạ”, bà Sáu nói.

Bà Sáu kể, ngay khi biết thông tin đơn vị quản lý cây xanh công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản hồi của người dân về việc chặt hạ, thay thế cây xanh, bà đã gọi điện đề nghị đơn vị quản lý không chặt hạ cây xanh đang sống khỏe.

“Ngày 20.3, tôi có gọi điện đến đường dây nóng của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, một cán bộ trực điện thoại tên Viễn đã xin tên tuổi của tôi và ghi chép lại ý kiến phản ánh. Anh Viễn nói với tôi, tất cả những ý kiến người dân phản ánh, anh sẽ ghi hết lại sau đó cuối ngày sẽ trình lên ban lãnh đạo công ty xem xét, giải quyết”, bà Sáu kể.

Liên quan đến số điện thoại đường dây nóng, ông Hưng cho hay, đường dây nóng đã có từ hơn 10 năm nay, nhằm mục đích tiếp thu ý kiến của người dân về việc bảo vệ cây xanh, vườn hoa, công viên… Hằng ngày, luôn có cán bộ trực đường dây nóng, tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân.

“Đối với những trường hợp người dân gửi văn bản, đơn thư đến công ty, chúng tôi sẽ xem xét phản hồi thư, gửi lại cho người dân. Còn đối với người dân góp ý qua đường dây nóng về cây xanh, cán bộ trực sẽ ghi lại ý kiến và báo cáo lãnh đạo công ty. Khi đó, chúng tôi sẽ xem xét và cho cán bộ xuống tận nơi kiểm tra, xử lý”, ông Hưng nói.

Phóng viên đặt câu hỏi, trong trường hợp người dân góp ý qua đường dây nóng mà không được chuyển tới lãnh đạo thì sẽ xử lý sao? Ông Hưng nói thêm: “Cán bộ trực đường dây nóng phải làm theo quy định của công ty, tiếp nhận ý kiến của người dân và báo cáo lại lãnh đạo. Trong trường hợp cán bộ không chuyển ý kiến của người dân lên ban lãnh đạo thì sẽ bị xử lý theo quy định”.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận trên đường phố Hà Nội:

img
Nhiều cây xanh trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh bị chặt hạ.
img
Ngay sau khi người dân có ý kiến phản đối việc chặt cây, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã treo biển trưng cầu ý kiến người dân trước khi chặt hạ cây cong nghiêng, sâu mọt tại tuyến phố Trịnh Hoài Đức.
img
Tấm biển có kích thước 30x20cm, chất liệu bằng tôn, ghi rõ: “Cây dự kiến đánh chuyển, cây trồng mới: Sấu”.
img
Cây chuẩn bị chặt hạ có thân to, nhiều năm tuổi.
img
Người dân tiếc nuối nhìn lại cây xanh trước khi bị chặt hạ.
img
img
Cây sấu trên phố Lý Nam Đế bị cong nghiêng, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã gắn biển dự kiến đánh chuyển.
img
Sau khi chặt hạ sẽ thay thế trồng mới bằng cây lát hoa.
img
Hiện nay tại Hà Nội, những tuyến phố còn cây xanh hàng trăm năm tuổi còn rất ít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem