Từng tham gia ban giám khảo và đào tạo thí sinh của cuộc thi khởi nghiệp này trong hai năm gần đây, xin góp một vài ý kiến liên quan đến khía cạnh tiếp thị để giúp các bạn khởi nghiệp đổi mới tư duy, hoàn chỉnh ý tưởng và mô hình kinh doanh, từ đó hiện thực hoá giấc mơ khởi nghiệp.
Thí sinh muốn khởi nghiệp thành công, cần kiến thức và nhiều yếu tố khả thi trong mô hình kinh doanh khi triển khai thực tế. Tôi nhận thấy một số điểm hạn chế chung mà hầu hết họ đều vướng. Trong ảnh: mô hình trồng rau trong tủ kính tại cuộc thi Vietnam IoT Hackathon do Viettel tổ chức.
Nhiều ý tưởng kinh doanh
Điểm thành công đáng kể của các dự án khởi nghiệp đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Các thí sinh chủ động phát hiện những vấn đề tại quê hương mình, đề xuất các sản phẩm hay giải pháp đáp ứng. Trong đó nhiều đề tài có sức thuyết phục cao hướng đến bảo vệ môi trường và mang tính cộng đồng cao, như tận dụng gáo dừa làm than không khói tiện lợi cho gia đình (quán ăn), khai thác thuỷ hải sản nhằm góp phần bảo vệ rừng, hoặc sản xuất các đặc sản vùng miền như gia vị bún bò Huế, để góp phần gia tăng hình ảnh thương hiệu cho địa phương. So với các cuộc thi trước, ở cuộc thi lần này, các thí sinh đã thể hiện mạnh mẽ hơn niềm đam mê và động lực khởi nghiệp với “tài nguyên bản địa”, bằng sản phẩm và ngành nghề kinh doanh từ nguyên liệu địa phương.
Mô hình đo chất lượng nước nuôi tôm tại ĐBSCL.
Các thí sinh ngày càng nhận thức và nắm bắt tốt hơn cơ hội thị trường, biết cách tạo động lực cho bản thân khi khởi nghiệp. Năm nay, câu chuyện một bạn trẻ mới 17 tuổi, Lê Hoàng Long, đang học lớp 12 ở Rạch Giá, đã được chọn vào vòng chung kết với dự án: “Vườn ươm sinh thái tự dưỡng chuyên biệt” đã tạo ấn tượng sâu sắc với mô hình kinh doanh khả thi, cách nghiên cứu, trình bày thể hiện bản lĩnh hiếm có ở độ tuổi còn nhỏ như vậy.
Thiếu nhiều thứ
Bên cạnh đam mê và động lực, thí sinh muốn khởi nghiệp thành công, cần chú ý kiến thức và nhiều yếu tố khả thi trong mô hình kinh doanh khi triển khai thực tế. Tôi nhận thấy một số điểm hạn chế chung mà hầu hết các thí sinh đều vướng.
Điểm hạn chế đầu tiên là làm thế nào để định vị sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu. Điều này nhằm hạn chế lý do quan trọng nhất mà dân khởi nghiệp trên toàn cầu đều gặp, đó là “bạn bán những thứ mà thị trường không cần”. Có lẽ, các bạn trẻ khởi nghiệp phát hiện được vấn đề hay cơ hội thị trường ngách nào đó “có vẻ tiềm năng”, nhưng thực tế khách hàng không hoặc chưa cần đến, dẫn đến quy mô thị trường quá nhỏ hoặc chưa sẵn sàng để tiếp nhận sản phẩm đó, đặc biệt các sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến công nghệ mới. Có thí sinh lại đi trước thị trường vài năm khi phát hiện những vấn đề hay nhu cầu quá mới, đòi hỏi phải có đầu tư lớn để tạo nhu cầu thị trường đủ lớn.
Kế tiếp, các dự án chưa biết cách đưa ra những đề xuất đủ sức hấp dẫn và thuyết phục. Đa số các thí sinh lo giới thiệu đặc tính sản phẩm, kỹ thuật hay công nghệ mà thiếu nghiên cứu thấu hiểu khách hàng mục tiêu, thiếu chào bán lợi ích, giá trị... Người mua không quan tâm nhiều đến hệ thống trồng rau sạch sử dụng vật liệu tái sinh được thiết kế đẹp, mà họ quan tâm đến việc liệu hệ thống này cung cấp đủ lượng rau hàng ngày, bao nhiêu loại, rau có sạch và an toàn không, chi phí so với mua rau ngoài chợ…
Thí sinh muốn khởi nghiệp thành công, cần kiến thức và nhiều yếu tố khả thi trong mô hình kinh doanh khi triển khai thực tế. Tôi nhận thấy một số điểm hạn chế chung mà hầu hết họ đều vướng. |
Điều hạn chế lớn nhất là đa số các thí sinh chưa thể hiện rõ mình thật sự am hiểu về ngành kỹ thuật mà mình khởi nghiệp, có thể họ chưa đủ thời gian để nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh, thấu hiểu khách hàng, cơ hội thị trường, công nghệ… Hậu quả tất yếu là sản phẩm khó thương mại hoá và có lợi nhuận bền vững.
Mô hình kinh doanh khó có khả năng thương mại bền vững cũng là nguyên nhân phổ biến, khi các thí sinh tỏ ra lạc quan về sản phẩm dự thi. Họ cho rằng sản phẩm của mình dễ bán nhưng chưa xác định làm thế nào thu hút khách hàng, làm thế nào để gia tăng giá trị mua hàng, cũng như chưa chú ý đến nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm và tiếp thị.
Sai lầm thường gặp tiếp theo chính là “thiếu tập trung”. Các dự án mô tả thị trường mục tiêu chung chung theo kiểu “khách hàng từ 18 – 60 tuổi quan tâm đến sức khoẻ”, không mô tả rõ ràng chân dung khách hàng mục tiêu, thiếu những lời chào hàng thuyết phục...
Các thí sinh dành nhiều thời gian để nghiên cứu sản phẩm, tìm kiếm nhà đầu tư; nhưng lại quên nghiên cứu ý kiến của người tiêu dùng về sản phẩm, dẫn đến khả năng sản phẩm thất bại cao hơn thành công. Tôi thường nghe các thí sinh đề cao yếu tố kỹ thuật, nhưng ít chú trọng đến tiếp thị và bán hàng. Không tính toán chi phí tiếp thị và bán hàng, dẫn đến định giá sai lầm, “lãi giả lỗ thật” ắt sẽ xảy ra dù sản phẩm độc đáo. Nhiều thí sinh quá say với những ước mơ và tầm nhìn lớn, mà không rõ lộ trình thực hiện và nguồn lực tương ứng để triển khai.
Sau cùng, hạn chế thường gặp ở lớp trẻ khởi nghiệp là luôn cố gắng tự mình làm mọi thứ và hiểu mọi thứ, thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác có chuyên môn sâu và kinh nghiệm hơn, kể cả tìm kiếm từ sách vở và từ các dự án tương tự có sẵn trên mạng hay thư viện nghiên cứu. Nếu biết khiêm tốn lắng nghe, học hỏi từ người khác sẽ hạn chế đáng kể những rủi ro và thách thức, có nghĩa là xác suất thành công cao hơn.
Tuấn Trần (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.