Tiêu chuẩn môi trường quá thấp
Nhấn mạnh yêu cầu “chú trọng hơn đến giá trị phát triển bền vững không nên bất chấp hậu quả về môi trường để phát triển kinh tế”, GS. Đặng Hùng Võ chỉ rõ, việc quản lý môi trường nước của Việt Nam đang có vấn đề lớn vì các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường “ở mức quá thấp” để thu hút đầu tư.
Theo GS. Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường, “chúng ta quá nóng lòng phát triển kinh tế mà chưa có ý thức về thảm họa môi trường”.
Còn theo TS. Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, hiện nay môi trường nước của chúng ta đang bị “quá tải”, không còn khả năng làm sạch dẫn tới ô nhiễm nghiêm trọng.
“Nhiều lưu vực sông có quá nhiều nguồn thải của các doanh nghiệp, từ hoạt động thương mại, du lịch, ngay cả khi nguồn thải đáp ứng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 QCVN về chất thải” — TS. Lan cảnh báo.
Vì vậy, “phải xem xét lại, không còn cần đánh đổi như trước nữa, phải nâng tiêu chuẩn lên”. Một loạt các vấn đề môi trường thời gian qua là “hồi chuông cảnh tỉnh” về ý thức bảo vệ môi trường của Việt Nam”- GS. Đặng Hùng Võ khẳng định.
Cơ quan chức năng kiểm soát thiếu kiên quyết
Các chuyên gia môi trường nhận định, Việt Nam có khá nhiều quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản lý nguồn xả thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước lại chưa thể đáp ứng để đảm bảo thực hiện.
Trong khi đó, ý thức và khả năng bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các vi phạm về môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho rằng: “Doanh nghiệp đầu tư vận hành hệ thống xử lý chất thải rất tốn kém, không phải công ty nào cũng làm được”.
TS. Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) nhận định, các cơ quan chức năng hiện vẫn chưa kiên quyết trong việc giám sát hoạt động của các nhà máy, vì thế cho đến nay chỉ có gần 50% các khu công nghiệp có hệ thống quan trắc môi trường dù quy định này ra đời từ 7- 8 năm trước, cùng với đó là việc quy hoạch trong quản lý còn quá nhiều tồn tại.
Điển hình như việc “Quy hoạch môi trường phải dựa trên sức chịu tải của môi trường. Ví dụ như nhà máy xi măng mỗi năm lại có quyết định bổ sung thì làm sao quản lý được về môi trường?”- ông Loãn băn khoăn.
Chung nhận định, GS. Đặng Hùng Võ chỉ rõ, việc giám sát xả thải tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu sát sao, chặt chẽ. Theo ông, “ăn vặt đâu đó thì có thể nhưng trong lĩnh vực môi trường thì không thể chấp nhận, bởi tất cả những hậu quả đó thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu, tương lai phải trả giá”.
Phạm Diệu (Pháp luật Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.