GS Hồ Đắc Di: Tình thương là hơi thở của cuộc đời người thầy thuốc

Thứ tư, ngày 01/07/2020 10:34 AM (GMT+7)
GS Hồ Đắc Di được coi là một tượng đài của trường Đại học Y Hà Nội, một trí thức tiêu biểu của Việt Nam ở thế kỷ 20. Di sản mà ông để lại không chỉ trong y khoa, mà cả ở cách đào tạo các thế hệ thầy thuốc.
Bình luận 0

Là người Việt Nam đầu tiên được Pháp cho phép thực hiện các ca phẫu thuật, GS Hồ Đắc Di là một trong những bác sĩ có chuyên môn giỏi nhất của Việt Nam vào thời điểm đó với nhiều công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí y khoa.

Ông cũng là người có quan điểm về vai trò của nghề y và người thầy thuốc rất tinh tế, sâu sắc, phù hợp với thực tiễn. Những quan điểm đó cho đến nay vẫn khiến giới y học phải suy ngẫm vì giá trị, tinh thần nhân văn.

GS Hồ Đắc Di: Tình thương là hơi thở của cuộc đời người thầy thuốc - Ảnh 1.

GS Hồ Đắc Di (bên phải) tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên tới thăm trường Đại học Y.

Trong bài diễn văn tại lễ khai mạc hội nghị y tế toàn quốc năm 1949, GS Hồ Đắc Di đã nhắc lại những yêu cầu của nghề y, người thầy thuốc trong lịch sử loài người, đồng thời nhấn mạnh quan điểm, tình thương là hơi thở của cuộc đời người thầy thuốc

Ông khẳng định: "Sự khô cằn của trái tim không thể dung hoà được với tiếng nói của Y học. Đó là vinh dự đặc biệt, nhưng cũng là nghĩa vụ cao quý, thiêng liêng".

Để hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, người thầy thuốc phải luôn thuộc lòng hai nguyên tắc: khoa học và lương tâm. Người thầy thuốc cần lấy việc nghiên cứu và xoa dịu nỗi khổ đau của bệnh nhân làm mục đích chính.

Đi vào phân tích sâu hơn các nguyên tắc này, GS Hồ Đắc Di cho rằng: "Khoa học nghĩa là nghệ thuật, và văn hoá cũng cần thiết cho nghề nghiệp như lương tâm. Nghĩa là, việc coi nhiệm vụ trên lợi lộc, danh dự trên tiền tài rất cần thiết cho sự nghiệp của người thầy thuốc."

"Bất cứ nền Y học nào nếu muốn được tôn trọng đều phải cung cúc phục vụ, dù điều đó là cái luỵ cho người thầy thuốc. Nếu như họ có thể thề nguyền giữ thanh bạch được, thì ngược lại, họ cũng cần phải thề nguyền giữ phẩm cách. Họ cũng cần hiểu rằng để kho tàng khoa học trong y học được phong phú thêm, bao giờ cũng bắt đầu từ cảnh nghèo nàn của họ", ông chia sẻ.

Tuy nhiên, chỉ có lương tâm thôi thì chưa đủ, nghề nghiệp của người thầy thuốc phải theo sát mọi phát minh mới, tiến bộ mới nhằm đảm bảo việc chẩn đoán chính xác và kiểm tra được những ấn tượng của giác quan.

Thiếu khoa học, thầy thuốc không thể sử dụng những trang thiết bị hoàn hảo. Do vậy, muốn thông thạo những kỹ thuật tinh vi và phức tạp, thầy thuốc cần phải có học vấn sâu rộng, có giác quan tinh tế và đôi tay khéo léo. "Nghệ thuật trong y học là óc tinh tế được gọi là năng khiếu lâm sàng, là do sự tổng hợp của logic, phương pháp và lẽ phải mà hình thành", ông khái quát.

Bên cạnh đó, một trình độ văn hoá cao sẽ làm cho người thầy thuốc khác với một người thợ thủ công khéo léo. GS Hồ Đắc Di cho rằng một thầy thuốc giỏi là hội tụ của sự phát triển mọi năng lực tinh thần và đạo đức, khoa học và nghệ thuật, biết kết hợp khoa học với văn hoá.

Theo GS Hồ Đắc Di, nếu người thầy thuốc là một nghệ sĩ vì khoa học của họ là một nghệ thuật, thì họ phải là một "người hiền". Vì tâm hồn họ là niềm tin và nghề của họ là sứ mệnh. Lòng trắc ẩn, tình thương bệnh nhân thúc đẩy họ làm việc liên tục để rèn luyện, đáp ứng lòng tin của người bệnh.

GS Hồ Đắc Di: Tình thương là hơi thở của cuộc đời người thầy thuốc - Ảnh 2.

GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng và Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch sau ngày Hà Nội giải phóng.

GS Hồ Đắc Di cũng đã bày tỏ sự thấu cảm với niềm vui và nỗi buồn của nghề y. Cho đến nay, nỗi niềm băn khoăn ấy vẫn còn nguyên tính thời sự: "Sự có mặt của người thầy thuốc, bằng một sự khai sinh lần thứ hai, đã làm sống lại tất cả những gì sắp trở thành bất động."

Ông phân tích trong những trường hợp cụ thể: "Đây đôi mắt của người bị hôn mê, của người mới bị mổ vừa hé ra, thì ánh mắt đầu tiên bỗng bắt gặp cái nhìn thân thương của người thầy thuốc; đây một người mới lành bệnh đang từ giã bệnh viện với nụ cười lần đầu tiên hé mở đáp lại lời chúc mừng của người thầy thuốc. Nụ cười ấy, đáng buồn thay, có thể lại là nụ cười cuối cùng, vì sau khi khỏi bệnh có nghĩa là trở lại cuộc sống thấp hèn, mất lòng tin."

"Rất hiếm có người dám nói lên lòng biết ơn của mình trong một thế giới mà sự bội bạc và những lời dèm pha phỉ bang lại được tôn thành đạo đức. Nhưng đối với người thầy thuốc đã làm tròn nhiệm vụ, cái đó có sá chi. Và vì thế khoa học và lương tâm đã kết tinh những tia sáng mà chúng toả ra thành một vòng hào quang chói lọi trên vầng trán của người thầy thuốc để an ủi vỗ về và làm cho người bệnh được yên tâm; và Y học là một người yêu khó tính và tàn nhẫn chỉ dành ân huệ cho những ai biết yêu thương say đắm và phục vụ mình hết mực", ông chia sẻ về nỗi lòng người thầy thuốc.

Với GS Hồ Đắc Di, cuộc đời người thầy thuốc là "một khoảng mờ ảo ở đó nổi lên những mũi tên là lòng tận tuỵ, là những hành động quên mình của họ. Cũng như số nóc chuông nhà thờ và chiều cao các ngọn tháp làm ta đoán được từ xa sắp đến gần một thành phố lớn, số lượng và chiều cao của những mũi tên ấy chứng minh giá trị nghề nghiệp của người thầy thuốc".

Đánh giá cao vai trò của người thầy thuốc, nhưng GS Hồ Đắc Di cũng nhấn mạnh rằng trí dục và đức dục là 2 điều quan trọng mà người bước chân vào nghề y cần rèn luyện. Theo ông, đây là yêu cầu tuyệt đối và cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của một nền y tế lành mạnh và thịnh vượng.

Đặc biệt, GS Hồ Đắc Di khẳng định: "Nghề Y không thể dung nạp cuộc sống đều đều và những thủ tục, những con đường hẻm cỏ mọc rêu phong, những đáy thung lũng - nó có tham vọng vươn lên những đỉnh cao ở đó luồng gió của tinh thần lồng lộng thổi và cũng ở đó nổi lên những tư tưởng siêu việt nhất của loài người. Y học tránh xa những chỗ thấp hèn, ở đó những cái xấu xa của bản năng vốn dĩ nằm lì và cũng ở đó những thèm muốn man rợ nhất của thú tính lại nổi lên".

Năm 2020 - kỷ niệm tròn 120 năm sinh của Giáo sư Hồ Đắc Di (11/5/1900-11/5/2020), một biểu tượng lớn của ngành Y Việt Nam hiện đại. Những cống hiến hết mình của ông trên tư cách một người trí thức và những đóng góp cho nền y học nước nhà trên khía cạnh một thầy thuốc, một nhà khoa học sẽ mãi mãi lưu lại trong tim của các thế hệ y bác sĩ Việt Nam về sau.

Từ Sơn (Theo Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem