Gặp ông tại phòng làm việc cận ngày ông Công ông Táo, 12h trưa, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ giáo dục vẫn cặm cụi bên những bộ sách. Câu chuyện về nghề về đời của ông cuốn tôi theo những thang bậc cảm xúc khác nhau.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại: Cả dân tộc nằm trong tay ngành giáo dục
40 năm cưới vợ chưa từng phải lo cơm áo gạo tiền
Ông kể từ ngày cưới vợ đến giờ, hơn 40 năm ông chưa từng một lần phải lo toan cơm áo, gạo tiền. Vợ nấu gì ăn nấy, mua gì mặc nấy. Thậm chí mỗi độ Xuân về thì việc sắm sửa cũng một tay vợ toan lo. Giờ con lớn thì đến lượt con trai, con dâu lo. Niềm đam mê duy nhất của ông là ánh mắt trẻ thơ, là làm sao đưa ra chương trình giáo dục tiên tiến để thế hệ học trò – chủ nhân tương lai của đất nước tự tin và giàu lòng tự trọng.
Vì thế, Tết với ông là cơ hội được làm việc nhiều nhất. Bao nhiêu việc còn trong năm sẽ được giành cho những ngày nghỉ chuyên tâm xử lý. “Tôi không còn phải tiếp khách, cũng không phải ngắt quãng giữa chừng bởi những việc ngày thường phải xử lý.
Do đó, những ngày nghỉ Tết là quãng thời gian yên tĩnh nhất, làm việc năng suất nhất và liên tục nhất. Đây cũng là lúc tôi giành phần lớn thời gian cho viết sách và viết bài giảng” – GS Hồ Ngọc Đại cười nói.
Không giấu nổi sự tò mò, tôi thắc mắc, chẳng có lẽ vợ con GS cũng phải chịu đựng cảnh “có chồng mà như không” thế sao? Ông cười vang, rồi nói “Ban đầu bà ấy bảo tôi hâm. Sống mãi với ông chồng hâm, riết rồi thành quen. Một tay bà ấy lo đối nội, đối ngoại để tôi có thể toàn tâm toàn ý cho công việc”.
Cả dân tộc nằm trong tay ngành giáo dục
Với GS Hồ Ngọc Đại, thời gian quý vô cùng, trong suốt buổi nói chuyện ông luôn nhắc lại câu “trong tất cả các cái mất, mất thời gian là mất tuyệt đối”. Vì thế, toàn bộ cuộc đời ông giành cho con trẻ. Ông luôn đau đáu nỗi niềm làm sao giúp học sinh hứng thú với việc học, giúp học sinh tự cảm nhận “ mỗi ngày đến trường náo nức là một ngày vui”.
“Mà trẻ con hạnh phúc thì gia đình vui. Trẻ con khổ- bố mẹ cũng khổ, nhất là người mẹ đau khổ gấp 10 lần. Nếu cái khổ của trẻ là sự hồn nhiên, thì nỗi đau của người mẹ là sự dằn vặt. Vì thế tôi luôn tranh thủ từng phút giây để làm vì con trẻ” – GS Đại trải lòng.
Đúng là với người làm giáo dục, quan trọng nhất là tấm lòng. Nói theo cách của GS Hồ Ngọc Đại, thì cả dân tộc nằm trong tay ngành giáo dục. Trong đó bậc học mầm non, tiểu học cực kỳ quan trọng. Nếu nghĩ đến trẻ con, nghĩ đến lợi ích đất nước, những người làm giáo dục cần phải một nền giáo dục mới - một nền giáo dục buộc phải mới tận nguyên lý của nó.
Một nền giáo dục tất yếu phải trở thành sự cứu nguy cho dân tộc, nơi trẻ em là những anh hùng thời đại và một nền giáo dục không bị thần bí hóa bằng lời hô hào "sáng tạo" suông.
Ông cho rằng cho rằng bản chất của công nghệ giáo dục là quản lý quá trình tự học. Trẻ tự làm ra sản phẩm của trẻ và từ đó phát triển sự tự tin. Trẻ em phải tự làm mọi thứ và người lớn không bao giờ được đưa những thứ có sẵn cho trẻ. Người lớn có trách nhiệm cho trẻ những công cụ để thực hiện điều đó. GS Đại nhấn mạnh, một đất nước mà đào tạo ra lớp lớp người tự tin, giàu lòng tự trọng thì đất nước ấy cực kỳ vĩ đại.
Với quan điểm ấy nên, dẫu đã ở cuối cuộc đời, nhưng vị GS già vẫn đau đáu những nỗi niềm về sự nghiệp giáo dục, vẫn giành giật từng tích tắc thời gian cho công việc viết sách của mình.
Ông bảo “365 ngày chưa khi nào tôi nghỉ. Có chăng chỉ là ít phút cho đêm giao thừa giành cho gia đình cùng con cháu ăn chút kẹo bánh, nhấp với nhau chút rượu, mừng tuổi vợ con, hoặc sáng mùng một Tết đến họ hàng, người thân ăn bữa cơm Tân niên. Còn lại tất cả tôi giành thời gian cho công việc”.
Hiện đã có khoảng 400.000 học sinh trên 42 tỉnh đang theo học chương trình công nghệ giáo dục mà GS Hồ Ngọc Đại là “cha đẻ”. Bao nhiêu năm ông vẫn cần mẫn nghiệp trồng người mà dường như trọng trách một người cha, người ông trong gia đình đều đổ lên vai vợ. Ông lý giải điều này một cách dí dỏm “Giữa hai cái tồi tệ, tôi sẽ chọn cái ít tồi tệ hơn” – đó là làm cho thế hệ tương lai đất nước.
Ngô Châu Anh (Infonet.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.