GS Trần Thọ Đạt: Doanh nghiệp phải trả giá đắt khi Việt Nam giữ ổn định tỷ giá, lạm phát

An Linh Thứ năm, ngày 12/01/2023 11:48 AM (GMT+7)
"Cái giá phải trả của việc giữ tỷ giá tại Việt Nam không đơn giản!Không nên quá cứng nhắc một mục tiêu khiến doanh nghiệp trả giá quá đắt, khi chi phí vốn vay quá lớn", GS Trần Thọ Đạt nói.
Bình luận 0

Doanh nghiệp trả giá đắt cho mục tiêu kìm giữ lạm phát, tỷ giá

Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023" do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay 12/1 tại Hà Nội, GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã nêu hàng loạt các vấn đề của kinh tế vĩ mô, cũng như góc nhìn của chuyên gia độc lập.

GS Trần Thọ Đạt: Doanh nghiệp phải trả giá đắt khi Việt Nam giữ ổn định tỷ giá, lạm phát - Ảnh 1.

GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Đầu tiên, theo ông Đạt, cái giá phải trả của việc giữ tỷ giá tại Việt Nam không đơn giản! Ông Đạt cho rằng: "Không nên quá cứng nhắc một mục tiêu để doanh nghiệp trả giá quá đắt, khi chi phí vốn vay quá lớn".

Vị chuyên gia dẫn chứng, năm 2022 quan điểm của Việt Nam là cân bằng giữa yếu tố vĩ mô và nền kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát của Việt Nam là trên 3%, nhưng lãi suất tăng 6-7%.

"Lãi suất tăng gấp đôi lạm phát, như vậy cần lý giải tại sao và mối quan hệ này có gì đặc biệt hay không? Cần có suy nghĩ về trạng thái cân bằng giữa lạm phát, lãi suất trong năm 2023", ông Đạt phân tích.

Ông Đạt thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam tồn tại con số đáng "ngạc nhiên": Lãi suất cao, đơn đặt hàng giảm, thu ngân sách tăng trưởng gần 30% so với dự báo. 

Vị này đặt câu hỏi: "Số thu ngân sách cao, đặt ra câu hỏi dự toán đưa ra thấp hay Nhà nước thu quá nhiều trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn? Cần lý giải rõ ràng; bên cạnh đó cũng đặt ra câu hỏi do chúng ta tăng thu nội địa hay thu từ xuất nhập khẩu mới có số thu lớn đến vậy?".

Ông Đạt cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2022 trên 8%, nhưng Việt Nam không nên say xưa với thành tích vì tăng trưởng này bởi tăng trưởng này chủ yếu dựa trên so sánh năm 2021 với mức tăng trưởng thấp chỉ 2,6%, trong khi đó nền kinh tế hiện đối diện với khó khăn lớn, đặc biệt là tính thanh khoản và lãi suất khá cao. 

"Tôi cảm nhận năm 2023 là năm khá đặc biệt", ông Thọ nhắc. "Đặc biệt là xáo trộn đời sống, suy giảm niềm tiềm của nhà đầu tư và sự xáo trộn thị trường tài chính. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất tốt trong ASEAN, chỉ đứng sau Malaysia và cao nhất trong 10 năm nhưng thị trường chứng khoán lại giảm mạnh nhất trong mấy chục năm qua. Tại sao lại có suy giảm niềm tin trên thị trường tài chính, trái phiếu DN, đây là cái chúng ta cần lưu ý thêm để lột tả thêm bức tranh của nền kinh tế?", GS Trần Thọ Đạt nói.

Theo GS Đạt, yếu tố nào tác động đến năng suất lao động trong năm 2023? Đó là chuyển đổi số, kinh tế số tới năng suất lao động và đơn hàng mất đi do nền kinh tế toàn cầu suy thoái. 

"Chúng ta khó quan sát được con số thống kê về năng suất lao động. Làm sao để những chuyển đổi của nền kinh tế sẽ tác động lan tỏa, từ đó tác động đến tăng năng suất lao động Việt Nam", ông Đạt đặt vấn đề.

Về cải cách thể chế kinh tế, theo vị chuyên gia, năm 2022 dường như những cải cách thể chế bị chững lại; đầu tư công chậm nhiều năm vẫn chưa xử lý được, điều này chứng tỏ chưa có sự cải thiện thể chế, tổng cung xăng dầu của Việt Nam vẫn ổn định, song khi xăng dầu đến đại lý bán lẻ lại đứt gãy… đó là vấn đề nằm ở cơ chế quản lý chưa theo kịp với thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem