Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao kỷ lục trên 8%, cao nhất trong hơn 10 năm qua

An Linh Thứ năm, ngày 29/12/2022 09:40 AM (GMT+7)
Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022, đúng như dự đoán đạt mức cao trên 8,02%. Trong khi đó, lạm phát dưới 4%, đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Bình luận 0

Tăng trưởng cao, lạm phát đạt mục tiêu

Sáng nay 29/12 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2022. Theo đó, con số được trông chờ nhất là tăng trưởng của nền kinh tế và lạm phát.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao kỷ lục trên 8%, cao nhất trong 10 năm qua - Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 cao kỷ lục trên 8%, cao nhất 10 năm qua

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%.

Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong 11 năm qua từ 2011-2022.

Cụ thể, từ năm 2011, GDP Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%; 7,47%; 7,36%; 2,87%; 2,56%; 8,02%.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng GDP cao theo giới chuyên gia chỉ là cách so sánh GDP năm 2022 so với GDP năm 2021 (ở mức thấp kỷ lục 2,56% do tác động nặng nề của Covid-19). Điều này minh chứng cho đà hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt là thương mại xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng trên 700 tỷ USD, xuất siêu nền kinh tế dự kiến khoảng 11 tỷ USD.

Việc tăng trưởng cao không đồng nghĩa với việc nền kinh tế còn có những tồn tại, khuyết điểm, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công chậm, triển khai nhiều dự án trọng điểm còn chưa đảm bảo thời gian, kế hoạch; những bất ổn lớn về thanh khoản của nền kinh tế (thị trường vốn, bất động sản biến động), lãi suất tăng, tỷ lệ tồn kho cao, doanh nghiệp không còn đơn hàng, tỷ lệ nghỉ việc, giãn ca… đang tăng nhanh.

Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Nóng: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao kỷ lục trên 8%, cao nhất trong 10 năm qua - Ảnh 2.

Đại diện Tổng cục Thống kê công bố các số liệu kinh tế quan trọng năm 2022

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).

Về chỉ số lạm phát, theo Tổng Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021. 

CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước, tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. 

Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem