Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong những lần gặp phỏng vấn trước khi qua đời, phóng viên Dân Việt luôn hỏi, tại sao tuổi cao, sức yếu, GS Võ Tòng Xuân vẫn không chịu nghỉ ngơi, lo cho sức khỏe mà thường xuyên có mặt, đóng góp ý kiến trong các cuộc họp lớn về cây lúa, cây ăn trái và thủy sản ở ĐBSCL. GS Võ Tòng Xuân vui vẻ trả lời: "Đây cũng là vấn đề mà bác sĩ cự với thầy hoài".
GS Võ Tòng Xuân cho hay, cuộc sống của bản thân gắn liền với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là cây lúa ở ĐBSCL. Theo yêu cầu của nhiều nơi (về việc tham dự các sự kiện, hội thảo), không lẽ mình không đáp ứng, coi kỳ quá, nếu đáp ứng thì chịu mệt chút.
"Thầy sẽ cố gắng, không "về hưu" vì nghĩ trong số người Việt Nam, mình là người may mắn học được trước nhiều người về lĩnh vực nông nghiệp, phải chia sẻ để càng nhiều người biết càng tốt" - GS Võ Tòng Xuân nói.
GS Võ Tòng Xuân còn nói thêm: "Việc làm trên cũng là nguyện vọng của thầy từ tháng 6/1971 khi quyết định rời Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế IRRI ở Philippines về nước. Do vậy, nếu còn sức khỏe, thầy vẫn muốn tiếp tục cố gắng phấn đấu, hỗ trợ sức mình cho ĐBSCL".
Không chỉ tham dự, đóng góp ý kiến tâm huyết tại sự kiện, hội thảo về vấn đề nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, vài năm trở lại đây, GS Võ Tòng Xuân vẫn cố gắng lặn lội đi tham quan mô hình nông nghiệp mới, thăm nông dân, trao đổi về vấn đề sản xuất và xuất khẩu lúa, cây ăn trái, thủy sản.
Trong chuyến tham quan mô hình trồng mít cam đào của ông Trần Thanh Thanh ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vào 10/2022, GS Võ Tòng Xuân cho hay, đây là mô hình trồng cây ăn trái mới, có sức sáng tạo và đặc biệt là mang lại giá trị kinh tế cao và được cấp giấy chứng nhận cây đầu dòng.
GS Võ Tòng Xuân yêu cầu chủ mô hình là ông Trần Thanh Thanh cố gắng mở rộng quy mô sản xuất, không riêng cây mít cam đào mà còn phát triển các loại giống cây mới lạ khác, cho năng suất cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.
GS Võ Tòng Xuân cũng đã liên hệ với bà Cao Thị Cẩm Nhung - nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Sáng tạo (Hậu Giang) để trao đổi về vấn đề tiêu thụ, chế biến sâu mít cam đào của ông Trần Thanh Thanh.
Theo bà Cao Thị Cẩm Nhung, vài năm qua, GS Võ Tòng Xuân đã hỗ trợ, hướng dẫn, chia sẻ rất nhiều đối với công ty. Từ đó, công ty của bà không ngừng phát triển, vươn lên.
Tuy GS Võ Tòng Xuân và bà Cao Thị Cẩm Nhung có thời gian gặp rất ít, nhưng mỗi lần gặp là thầy trao đổi rất nhiều thông tin bổ ích về sản xuất, tiêu thụ và kết nối các đơn vị có liên quan để giúp doanh nghiệp đi lên.
Về sản xuất lúa, GS Võ Tòng Xuân nhiều lần khẳng định, chỉ nên trồng ở vùng nước ngọt, cho năng suất cao. Đối với vùng nước mặn, nước lợ hoặc nơi có vùng đất cao, trong điều kiện thích hợp nên chuyển sang nuôi thủy sản hoặc trồng cây ăn trái.
Đặc biệt, không nên làm hệ thống công trình chỉ phục vụ cho cây lúa, bởi nhiều loại cây ăn trái, thủy sản đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Riêng vùng nuôi tôm, cần phải quy hoạch sao cho bài bản, có hệ thống xử lý nước chuẩn, không gây ô nhiễm môi trường.
GS Võ Tòng Xuân ủng hộ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp do Bộ NNPTNT triển khai tại ĐBSCL. Theo giáo sư, đề án sẽ là cơ hội để tái cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo, sắp xếp lại trật tự của chuỗi giá trị hạt gạo, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Từ trước đến nay, nông dân sản xuất manh mún, việc tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái là chính, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian dài đã có những tác động tiêu cực lên môi trường đồng bằng.
"Đã đến lúc phải suy nghĩ khác đi, sản xuất khác đi. Các doanh nghiệp phải vào cuộc, ký hợp đồng dài hạn với nông dân. Việc cần làm hiện nay là các doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng cấp trên đề nghị các nước bạn ký hợp đồng dài hạn, 1 năm thu mua sản lượng khoảng bao nhiêu để nông dân sản xuất, cung cấp' - GS Võ Tòng Xuân từng chia sẻ với phóng viên Dân Việt về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thông tin từ Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, GS Võ Tòng Xuân qua đời sáng nay (19/8) tại Bệnh viện Landmark 81 (TP. HCM).
GS Võ Tòng Xuân sinh ngày 6/9/1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).
Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, ông đã trở về Việt Nam làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ. Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975.
GS Võ Tòng Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Đặc biệt những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây. Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở châu Phi.
Ông kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng trong nước và quốc tế. Cụ thể là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Nam Cần Thơ...
Ông cũng là nhà khoa học Việt Nam được nhận được nhiều danh hiệu, phần thưởng lớn trong nước và quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.