GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đạt giải "Nobel Châu Á"
Từ "bà đỡ" trở thành nữ bác sĩ người Việt đạt giải "Nobel châu Á"
Nguyệt Minh
Thứ hai, ngày 02/09/2024 10:17 AM (GMT+7)
Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay - được mệnh danh là "Nobel châu Á" đã công bố 5 cá nhân sẽ nhận được giải thưởng này, trong đó có nữ giáo sư, bác sĩ người Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Phượng.
Giải thưởng Ramon Magsaysay được mệnh danh là "Giải Nobel châu Á", tôn vinh những "tinh thần vĩ đại thể hiện trong việc phục vụ quên mình của người dân châu Á".
Lễ trao giải lần 66 sẽ được tổ chức ngày 16/11 tại Nhà hát Metropolitan ở Manila, Philippines.
Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay thành lập năm 1957 để vinh danh tổng thống thứ 7 của Cộng hòa Philippines Ramon Magsaysay, người đã qua đời trong một vụ tai nạn máy bay. Đây là vị tổng thống được yêu mến bởi sự giản dị và khiêm nhường, lòng đam mê công lý, đặc biệt là đối với người nghèo. Hơn 6 thập kỷ qua, giải thưởng đã trao cho hàng trăm cá nhân và tổ chức xuất sắc.
Theo thông tin từ Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay , GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, 80 tuổi, được vinh danh vì những cống hiến không ngừng nghỉ để khám phá sự thật về chất độc da cam, tìm kiếm công lý cho các nạn nhân, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng thông qua nghiên cứu và làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).
Năm 1968, khi đất nước vẫn đang chìm trong chiến tranh, bà Phượng khi ấy còn là thực tập sinh đã bị tác động sâu sắc khi liên tiếp chứng kiến những trẻ chào đời dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, không rõ lý do.
Những hình ảnh đau thương này đã thôi thúc bà cống hiến cuộc đời mình để khám phá sự thật về chất độc da cam, tìm kiếm công lý cho các nạn nhân của nó và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.
Đối với bà Phượng, cuộc chiến không chỉ diễn ra trong phòng thí nghiệm mà còn trên trường quốc tế. Bà đã đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam với Hiệp hội Y tế công cộng Hoa Kỳ, cùng nhiều diễn đàn khác, và ủng hộ hành động pháp lý để đòi bồi thường từ các công ty hóa chất.
Hội đồng các thành viên của quỹ giải thưởng "ghi nhận tinh thần phục vụ cộng đồng của bà và thông điệp hy vọng mà bà tiếp tục truyền bá trong nhân dân". Họ cho rằng công việc của bà cũng là lời cảnh báo nghiêm trọng cho thế giới tránh chiến tranh bằng mọi giá vì hậu quả bi thảm của nó có thể kéo dài đến tận tương lai.
"Bà đưa ra bằng chứng rằng không bao giờ là quá muộn để sửa chữa sai lầm của chiến tranh, giành lại công lý và cứu trợ cho những nạn nhân bất hạnh của nó", theo Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay.
Nguyên là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đi tiên phong trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam, mang lại niềm vui và hy vọng cho hàng nghìn gia đình. Bà cũng từng là đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, góp tiếng nói cho những thay đổi quan trọng trong luật về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản.
Bà từng là Viện trưởng Viện Tim TP.HCM, nguyên Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam TP.HCM, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Mỹ TP.HCM. Bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Huân chương Lao động hạng 3.
Giải thưởng năm 2024 còn tôn vinh ông Karma Phuntsho (Bhutan), bà Farwiza Farhan (Indonesia), ông Miyazaki Hayao (Nhật Bản) và Phong trào Bác sĩ nông thôn của một nhóm bác sĩ người Thái Lan, hỗ trợ người nghèo ở nông thôn.
Kéo dài trong hai thập kỷ từ năm 1955 đến năm 1975, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã để lại chấn thương sâu sắc và kinh hoàng, với hơn ba triệu người chết, chủ yếu là thường dân. Hóa chất độc hại từ chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng tiếp tục gây các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đến nhiều thế hệ, ảnh hưởng hàng triệu người Việt. Nửa thế kỷ sau, nhiều đứa trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục phải chịu đựng những tác động dai dẳng của chất độc này. Ước tính có 4,8 triệu người Việt đã tiếp xúc với dioxin, trong đó có khoảng 3 triệu người trở thành nạn nhân, bao gồm hàng nghìn trẻ em ở thế hệ thứ hai, thứ ba và thậm chí thứ tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.