G-Vectoring Control của Mazda thú vị đến thế nào?

Đức Thái Thứ tư, ngày 27/12/2017 14:55 PM (GMT+7)
Từ khi được ứng dụng trên các xe Mazda đời mới, công nghệ G-Vectoring Control (GVC) đã trở thành thực sự cần thiết với những ai đã trải nghiệm.
Bình luận 0

Như mọi khi, các công nghệ mới của Mazda đều hướng đến một mục tiêu duy nhất: Gia tăng sự kiểm soát và chủ động của người lái trong mọi hành trình. Hệ thống GVC lần đầu tiên được giới thiệu trên các mẫu xe Mazda 3 và Mazda 6 Facelift vào giữa năm 2017, và sẽ trang bị tiêu chuẩn cho tất cả sản phẩm thế hệ tiếp theo của Mazda.

img

Mazda có thể xem là một thương hiệu thú vị. Có thể họ không thành công về mặt doanh số, nhưng những sản phẩm họ tạo ra đều có một chất gì đó rất riêng, và đều sở hữu một lượng tín đồ trung thành khá lớn. Nổi bật có thể kể đến MX-5, mẫu Coupe thành công nhất mọi thời đại, hay như series RX sử dụng động cơ xoay độc đáo… tất cả đều mang lại sự thích thú, và nguồn cảm hứng bất tận cho người ngồi sau tay lái, chứ không đơn thuần và thực dụng như các hãng xe giàu truyền thống như Toyota, Honda hay Nissan.

Mọi thành viên làm việc tại Mazda, dường như đều đươc thấm nhuần triết lí “Jinba Ittai –  Nhân mã nhất thể”, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa phương tiện và người điều khiển. Đơn cử như một chi tiết khá nhỏ: Vị trí chân ga. Mazda hầu như là hãng xe Nhật Bản duy nhất đặt bàn đạp ga dưới sàn dạng phím đàn trên tất cả các mẫu xe du lịch, thay vì dạng treo như các sản phẩm khác. Tại sao lại như vậy? Với Mazda, điều đó giúp người dùng có thể điều khiển tốt hơn. Với các tín đồ, họ sở hữu một sản phẩm chú trọng vào người lái.

Tương tự như trên, hệ thống G-Vectoring Control tác động trực tiếp đến cảm nhận và khả năng kiểm soát xe của người lái, nhưng những ảnh hưởng của nó là khá nhỏ, và một người dùng bình thường khó có thể cảm nhận ngay lập tức. Vậy, GVC là gì? Tại sao Mazda lại rất tự tin và tự hào về hệ thống này?

img

Nguyên lí hoạt động của GVC rất đơn giản: Mỗi khi người lái tác động một lực xoay vào vô lăng, ngay lập tức, hệ thống sẽ điều khiển momen xoắn đầu ra của động cơ. Khi đánh lái vào cua, hệ thống tự động cắt giảm momen xoắn, khi trả lái thoát cua, hệ thống tự động bù ga. Bạn có thể hình dung việc này hoàn toàn tự nhiên, và đúng với ý đồ của mọi người lái mỗi khi có dự định chuyển hướng. Tác động này giúp xe có được sự mượt mà và ổn định hơn khi di chuyển. Cần nhấn mạnh rằng, Mazda là hãng xe duy nhất, tính tới thời điểm hiện tại sử dụng nguyên lí này để kiểm soát gia tốc và quỹ đạo di chuyển của xe.

Câu hỏi đặt ra, liệu hệ thống có can thiệp quá sâu, và ảnh hưởng đến độ chân thực khi cầm lái không? Mazda cũng từng tự đặt nghi vấn như vậy. Và họ đã phải mất 8 năm để hoàn thiện hệ thống và có câu trả lời.

Từ những ngày đầu của dự án, Mazda chưa áp dụng nguyên lí như hiện tại, mà sử dụng hệ thống phanh để khống chế quỹ đạo của xe. Khi vào cua, họ liên tục sử dụng phanh (thao tác cũng giống như hầu hết mọi người vẫn thường hay làm), và cố gắng tác động một lực nhỏ nhất, nhẹ nhất để không làm ảnh hưởng đến người ngồi trong xe. Nhưng kết quả họ nhận được không mấy khả quan. Mazda nhận ra rằng, phản ứng của hệ thống phanh quá chậm, và làm mất đi tính tự nhiên của sự di chuyển, kèm theo đó là một cảm giác bị động, không thoải mái cho các hành khách ngồi trên xe.

img

Sau đó họ chuyển hướng và suy nghĩ đến một ý tưởng khác. Thay vì sử dụng hệ thống phanh để khống chế sự thay đổi gia tốc, họ tác động trực tiếp và động cơ, và thời điểm tác động hoàn hảo nhất chính là lúc người lái bắt đầu điều khiển vô lăng. Tác động ngay lập tức, sự thay đổi nhẹ nhàng, tự nhiên và hoàn toàn không gây trở ngại cho người lái. Và đó chính tiền đề để phát triển hệ thống GVC như ngày nay. Hệ thống hoạt động dựa vào 3 thông số đặc trưng: vận tốc xe, vị trí chân ga, và góc đánh vô lăng. Với mỗi thao tác, dù là nhỏ nhất vào tay lái, hệ thống đều có phản ứng tức thì, chỉ trong khoảng thời gian 50 mili giây.

Mỗi khi đánh lái, GVC bắt đầu can thiệp vào hệ thống đánh lửa, giảm momen xoắn đầu ra của động cơ, vận tốc xe giảm. Khi đó trọng tâm xe sẽ có xu hướng dịch chuyển về phía trước, gia tăng lực bám của 2 bánh trước vào mặt đường, giúp việc điều khiển tay lái trở nên chính xác hơn. Khi trả lái, hệ thống sẽ bù ga. Lúc này trọng tâm lại được dồn về phía sau, sự trả lái sẽ nhẹ nhàng hơn, và người ngồi trên xe sẽ có tư thế chắc chắn hơn, chiếc xe có thể thoát cua một cách trơn chu hơn.

Theo tính toán, mức thay đổi gia tốc tối đa mà hệ thống có thể can thiệp rơi vào khoảng là 0.05g (khoảng 0,5m/s2). Với con số này, một người sử dụng bình thường hầu như không thể nào cảm nhận được (Trừ khi đó là một dị nhân như Lewis Hamilton - Nhà vô địch giải đua công thức một). Lúc này, sự thay đổi gia tốc tịnh tiến (giảm tốc độ) và gia tốc hướng tâm (xoay tay lái) có sự liên hệ chặt chẽ và mật thiết, và Mazda xem đó như là một “Phép màu”. Sự thay đổi hướng di chuyển sẽ được điều khiển và kiểm soát theo một cách tối ưu nhất có thể.

Để có thể xác thực độ hiệu quả của hệ thống, chúng ta phải cần đến những thiết bị chuyên dụng để có thể tra cứu các thông số và so sánh sự khác biệt.  Mazda đã chuẩn bị một mẫu xe thử nghiệm, có chức năng “ON/OFF” hệ thống GVC (Đối với các mẫu xe thương mại, GVC sẽ được trang bị tiêu chuẩn trên tất cả thế hệ sản phẩm về sau, không thể tắt chúng được).

img

Thử nghiệm trên nhiều cung đường với sự khác biệt về địa hình, lộ trình và với nhiều mức vận tốc khác nhau, ở mọi điều kiện, tùy mức độ mà hệ thống sẽ can thiệp và có hiệu quả thực sự tích cực. Các thông số thu thập được chỉ ra rằng, khi GVC ON, quãng đường di chuyển của tay lái là ít hơn. Điều đó chứng tỏ sự điều khiển của người lái đã trở nên chuẩn xác và đúng với mong đợi hơn. Đáng chú ý, sự chênh lệch đó còn thể hiện rõ hơn, khi thực hiện bài test trên cung đường trơn trượt.

Một lần nữa, Mazda nhấn mạnh rằng, công năng của GVC không đơn thuần chỉ là một hệ thống tương tự như “Torque Vectoring Control” của nhiều hãng xe khác như Audi, Acura, Ford... Về mặt kĩ thuật, các hệ thống này chủ yếu tác động vào hệ thống phanh khi xe vào cua và kiểm soát tốc độ quay của từng bánh xe, từ đó giúp cân bằng và ổn định thân xe, gia tăng sự kiểm soát quỹ đạo khi di chuyển. Ngoài ra một vài hệ thống cao cấp hơn, thay vì giảm vận tốc để cân bằng, thì lại sử dụng một motor điện bổ sung thêm momen xoắn tại bánh xe thiếu hụt vận tốc (Acura NSX).

Thành thật mà nói, tất cả các hệ thống “Torque Vectoring Control” trên thị trường đều hoạt động rất hiệu quả. Nhưng với Mazda, họ không muốn đi theo lối cũ và chỉ dừng lại ở đó. Họ muốn tạo ra một hệ thống mà những sự tác động của nó đều ở trạng thái nhiên nhất, sự thoải mái nhất mà người dùng có thể hưởng lợi, nhưng không hề cảm thấy bị can thiệp quá nhiều. Và một điều đặc biệt nữa, GVC tác động trong mọi dãy tốc độ, trong mọi tình huống vận hành, chứ không chỉ riêng tại vận tốc cao như các hệ thống kiểm soát momen khác.

Sự thú vị vẫn còn đó, sự kiểm soát được gia tăng, niềm cảm hứng bất tận sau tay lái tiếp tục được duy trì, đó là cách Mazda nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm đậm chất Mazda. G-Vectoring Control là duy nhất, là niềm tự hào của Mazda, một hãng xe thú vị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem