Hà Bá quá cảnh Sài Gòn

Thứ ba, ngày 01/02/2011 17:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm rồi hơn hẳn mấy năm qua, TP.HCM lại càng ngập lụt dữ dội vì những trận mưa to và triều cường. Chúng dẫn tới nhiều chuyện tức cười (vừa tức vừa cười).
Bình luận 0

Chùi bu-gi sống khỏe

img

TP.HCM bị ngập đã từ mười mấy năm rồi, ấy là những khi có mưa lớn. Nhờ vậy dịch vụ chùi bu-gi cho xe chết máy có dịp làm ăn. Mới đầu là những tiệm sửa xe máy gần điểm ngập. Sau là những bác xe ôm cũng sắm bộ đồ nghề, trước phòng thân, sau kiếm thêm chút đỉnh. Gần đây xuất hiện các đội chùi bu-gi cơ động, cứ mưa to gió lớn lại “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ”, tay xách nách mang, lên đường.

Anh Lê Thái Hưng, thành viên tổ chùi bu-gi cơ động, cho biết: “Trước đây anh em chỉ sống nhờ mùa mưa, làm theo thời vụ thôi, nay cứ có triều cường là có ngập nên anh em sống khỏe. Chùi một cái có 20 nghìn, mỗi tháng vài trăm cái là ô-kê”.

Hiện các cơ sở dạy sửa xe nhận được nhiều yêu cầu kỳ quái. Như học viên chỉ cần học lau bu-gi và thay bu-gi để ra nghề cho sớm chứ chẳng cần học sửa máy móc làm quái gì cho mất thì giờ. Ô hô, lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy bu-gi tôi chùi!

Một lần qua Nhà Bè, đoạn gần cầu Phú Xuân, tác giả mới thấu cảnh triều cường. Chỉ trong một giờ nước đã dâng cao làm hơn nửa bánh xe ngập nước. Anh Sáu Dũng, dân địa phương lắc đầu: “Tôi sống ở đây từ nhỏ có thấy vậy đâu, từ hồi mấy đô thị mới mọc lên ở quận 7 mới ngập dữ vậy”. Cũng như nhiều người khác, xe máy của tôi chết chìm trong dòng nước.

Lập tức có đội chùi bu-gi cơ động ra giúp trục vớt con xe. Họ chổng ngược xe lên trút nước khỏi xe. Khua khoắng một hồi, họ bảo: “Nước làm ngộp nên con bu-gi chết rồi, em thay cho anh con bu-gi mới, cho em xin 100 nghìn”.

Tôi đành chết lặng, biết bị chém cũng lòi tiền ra. Chứ nhìn mặt chúng nó, tôi biết nếu không bị chém thì cũng bị dìm vào dòng nước thôi. Một tháng sau, đem xe sửa tại tiệm sửa xe mối ruột, anh thợ bảo phải thay bu-gi, tôi bảo mới thay rồi thì anh bảo: “Bu-gi gì mà đen sì thế này, chắc anh thay phải đồ đểu rồi”. Thế đấy.

Ăn coi nồi, ngồi coi… nước

img

Giới thương hồ miền Tây Nam bộ thời chưa có động cơ thủy không sinh hoạt theo giờ giấc bình thường mà theo con nước. Trời trong, mây tạnh nhưng con nước ngược họ không thèm nhúc nhích. Còn nửa đêm, không trăng sao nhưng con nước thuận vẫn khua mái chèo lên đường. Do vậy, theo tập quán, cách sống theo nhịp con nước đó là cách sống của giới thương hồ.

img

Trước đây chỉ các vùng sông rạch nhiều như quận 7, quận 8, Nhà Bè, Bình Chánh, nơi ghe tàu đậu nhiều mới biết lối sinh hoạt này. Nay thì lối sống theo con nước đã dần dần phổ biến tại TP.HCM. Biết chiều nay thể nào cũng có ngập nặng, chị Trương Thị Thu Liễu bèn đi đón con sớm hơn mọi khi, dù cô giáo đã quen với việc này nhưng chị phải nói chữa: “Cô thông cảm, chứ để chút nữa chắc tôi phải lấy cái thau để cháu vào mà bơi về đó cô”.

Cứ thế, người đi làm phải canh giờ mà về cho sớm hơn, không thì phải chịu cảnh người ướt xe chết máy. Học sinh đi xe đạp điện cũng vậy, lỡ nước vào bình điện, thì chắc bữa sau đi học ở... nghĩa địa Bình Hưng Hòa.

img

Chuyện ăn ở trong những ngôi nhà thường xuyên ngập nước cũng phải rất “thương hồ”. Hôm sang quận 6 chơi nhà thằng bạn thân, gặp cả nhà ăn cơm trong cảnh nước ngập, cô con dâu mới về nhà chồng bị mẹ chồng mắng: “Ơ, ăn coi nồi, ngồi phải coi… nước, chỗ khô ráo phải để các cụ, khách khứa ngồi chứ, không biết làm dâu à?”. Nó đành cười trừ, bữa đó ăn cơm trong nước lạnh.

Nhưng theo lời nó thì cái kinh khủng nhất với các hộ bị ngập nước chưa phải chỉ bấy nhiêu. Theo lời nó, có những lần nước ngập tràn toa-lét, mang theo đủ thứ “vừa lạ vừa quen” trôi nổi khắp nhà, đẩy cái của nợ ấy ra đường thì lại trôi vào nhà hàng xóm, rồi của hàng xóm lại trôi vào nhà mình. Hãi nhất là mấy đứa con nít cứ nhảy ùm xuống mà bơi, bị người lớn la, bảo muốn bơi thì vào hồ bơi, chúng còn gân cổ lý luận “trong hồ bơi cũng đâu thiếu mấy thứ này”.

Nhiều khi mấy cái của nợ ấy không trôi nổi cho người nhà thấy mà tấp vào góc khuất nào đấy trong nhà, làm hại cả nhà cứ tưởng có chuột chết, mấy đứa nhiễm phim bạo lực còn bảo có kẻ giết người vứt xác trong nhà. Khi tôi bảo gia đình thằng bạn sống theo lối thương hồ miền Tây, nó giơ hai tay đồng ý. Thậm chí còn định nuôi thêm vài con cá vồ trong nhà để đỡ đần việc “dọn dẹp” nhà cửa trong những ngày ngập nước.

Lội trước, ăn sau

img

Thường kẻ tham ăn lười làm bị gọi bằng thành ngữ “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Nhưng thời buổi ngập nặng như bây giờ, ăn uống gì trước hết cũng phải lội nước cả, đặc biệt khi đi ăn cưới. Không lội khỏi ăn. Thật là công bằng xã hội vậy.

img

Trước hết là phần đi lễ họ, Sài Gòn có nhiều con hẻm ô tô không vào được mà phải đi bộ, nên các đám cưới gặp cảnh ngập nước càng thêm khốn đốn. Sắp đi rước dâu, chú rể Nguyễn Anh Duy nhận được cuộc gọi của cô dâu Nguyễn Ngọc Anh Tú: “Bên này đang mưa, anh nói ba má họ hàng khỏi mặc áo dài hay com-plê chi cho mệt. Cứ… áo thun, quần đùi, dép tông cho tiện. Vào nhà em thay đồ lễ sau”.

img

Chú rể hết hồn báo lại cho cha dưới quê mới lên, ông nói: “Biết vậy tao đem mấy chiếc xuồng giăng lưới lên đi. Năm nay lũ không về, để xuồng nằm không suốt”. Chú rể cười khổ: “Xe hơi vào không được thì xuồng sao vào được hả tía?”.

Tuy cô dâu đã khuyên áo thun, quần đùi đi rước dâu nhưng chú rể chẳng dám, đành đóng com-plê, giày tây bảnh chọe để rồi ướt hết. Còn mấy mâm cỗ quả, trước ai cũng đùn đẩy song trời mưa ai cũng giành bưng, lại đội lên đầu như những chiếc dù dã chiến.

Tới nơi, rót rượu mừng đã nhạt như bia vì pha thêm nước mưa. Nhưng nhạc phụ cùng ái tế cũng cạn chén, đúng là “trên dưới cùng một lòng phụ tử, hòa nước mưa chén rượu ngọt ngào”.

Khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) khét tiếng vừa ngập vừa lún của Sài Gòn, có vài nhà hàng tiệc cưới. Anh Mai Hòa Hiệp, nhân viên tại đây cho biết: “Đám cưới ai cũng mong có chút mưa để được may mắn, sống với nhau dài lâu. Nhưng các đám cưới tại đây chẳng ai muốn mưa với gió cả”.

img

Chắc vậy, chuyện mây mưa để sau đám cưới hẵng tính. Hôm đi ăn đám cưới của anh Âu Minh Hạnh với chị Nguyễn Thị Xuân Nhựt gặp ngay trận mưa to, thấy cô dâu cứ vén váy cưới lên suốt để ra đón khách khiến tôi cũng muốn làm chú rể.

Tới hồi ngồi vào bàn, ông bạn Nguyễn Văn Siêng kế bên bèn hỏi: “Cô dâu, chú rể làm gì mà lâu quá vậy?”. Tôi trả lời: “Hai đứa nó đang đội dù đón khách kia kìa.”. Không biết ông bạn gốc Bắc này có làm xị nào chưa, mà ông nghe nhầm lời tôi nói từ “đội dù” thành “đ… rồi”, ông bèn lắc đầu: “Tụi nó giờ Tây thiệt, chưa đám cưới đã đ… rồi”.

Qua hôm sau, gọi điện hỏi thăm chú rể Âu Minh Hạnh xem tình hình thế nào, nó tức tối bảo: “Dầm mưa lâu quá nên đêm qua “nó” teo mẹ mất rồi. Mưa gì mà mưa lớn, ngập gì ngập nặng đến thế hở trời?”.

(Ảnh trong bài chỉ có tính minh họa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem