Hà Giang: Hướng tới phát triển xanh, bản sắc và làm giàu trên đá

Theo Báo Hà Giang Thứ ba, ngày 19/04/2022 22:34 PM (GMT+7)
Chiều 19.4, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bình luận 0
Hà Giang: Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu định hướng tại buổi làm việc.

Hội thảo do đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư và đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang chủ trì. Về phía tỉnh Hà Giang, dự có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong BTV; Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các vụ, ngành liên quan; các chuyên gia liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh…

Hà Giang: Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 2.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tiếp thu các ý kiến thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, đại diện chuyên gia tư vấn báo cáo thuyết minh Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo tóm tắt đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Hà Giang. Theo đó, quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH thời kỳ 2021-2030 của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Phát triển KT-XH nhanh, theo hướng xanh và bền vững trên cơ sở phát huy nội lực của tỉnh cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của T.Ư và thu hút các nguồn lực khác, phát triển dựa trên 4 trụ cột tăng trưởng: Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; Du lịch đặc sắc & đẳng cấp; một số chuỗi nông sản, đặc sản có triển vọng; đô thị bản sắc (biên giới, núi cao, dân tộc) và hiện đại.

Hà Giang: Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh Hà Giang.

Mục tiêu tổng quát và tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, tỉnh Hà Giang phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững, bản sắc; bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Mục tiêu là: “Phát triển xanh, bản sắc, bền vững” với phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”. Tạo không gian phát triển mới, đưa Hà Giang thành vùng du lịch trọng điểm Quốc gia – điểm đến của du khách quốc tế. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại, hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic. Các khu đô thị được hình thành và mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng, kiến trúc bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc phát triển ổn định. Thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Hà Giang: Hội thảo tham vấn về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 4.

TS. Cao Viết Sinh, Tổ trưởng Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch cho rằng: Quy hoạch phát triển Hà Giang theo hướng bao trùm, kết nối không gian trung; quy hoạch phải hạn chế được rủi ro do thiên tai.

Xây dựng Hà Giang đến năm 2030 là tỉnh có KT-XH phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có KT-XH trung bình khá của cả nước; tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh có KT-XH phát triển khá của cả nước, giữ vị trí quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc về kinh tế, giữ vị trí quan trọng của quốc gia về an ninh môi trường khu vực đầu nguồn…

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến hết sức tâm huyết, chất lượng và có tính lý luận, thực tiễn cao đối với quy hoạch tỉnh Hà Giang về mục tiêu, quan điểm, khung phát triển và các trụ cột tăng trưởng; thực trạng về tiềm năng phát triển của tỉnh; định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện của tỉnh, đồng bộ, có tầm nhìn và có tính khả thi cao…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cơ bản đồng tình với 4 trụ cột tăng trưởng, 6 khâu đột phá chiến lược, 3 trụ động lực tăng trưởng và 4 cực phát triển, tăng trưởng mà Hà Giang đã lựa chọn. Tuy nhiên, nên rà soát lại các nội dung giữa động lực, đột phá, phương hướng phát triển. Về địa lý Hà Giang nằm xa các vùng kinh tế, như vậy có yếu tố quan trọng đối với QP-AN; vấn đề đảm bảo đời sống, an ninh trật tự, an toàn xã hội; những vấn đề về bảo vệ rừng, nguồn nước đó là yếu tố quan trọng ở Hà Giang. Do đó cần tập trung vào 3 việc đó là: giữ đất, giữ rừng và giữ dân. Để phát triển, Hà Giang cần có quan điểm rõ ràng, đi vào từng phân khúc, tạo thế mạnh riêng sẽ tạo ra sự khác biệt, có tính cạnh tranh để có hướng đi sắc nét hơn. Phát triển du lịch xanh và bền vững nhưng phải đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường và quốc phòng. Đồng thời tận dụng hết các lợi thế của địa phương…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao và tiếp thu ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia, liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh, qua đó xem xét áp dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh giao cho UBND tỉnh, các đơn vị tư vấn hoàn chỉnh các nội dung góp ý với quyết tâm cao nhất việc quy hoạch của tỉnh nằm trong nhóm chất lượng của các địa phương. Đồng thời mong muốn, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, ủng hộ Hà Giang phát triển hạ tầng giao thông như: Tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang kết nối với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; nâng cấp, mở mới các tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh cũng như các tuyến Quốc lộ qua tỉnh Hà Giang như QL.4C đi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, QL.34, QL.279, QL.4 … Hỗ trợ đầu tư các hồ dự trữ nước dung tích lớn cho tỉnh Hà Giang để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, nhất là các huyện vùng cao; bổ sung Hà Giang vào quy hoạch các điểm đầu tư hệ thống logistics để thu hút đầu tư hạ tầng thương mại biên giới; tạo điều kiện thuận lợi để Hà Giang tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông-lâm sản, du lịch của vùng, quốc gia để kết nối các chuỗi giá trị quốc tế; tiếp cận các nguồn lực quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển lao động, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem