Hạ lãi suất huy động: Người gửi tiền thua thiệt

Thứ bảy, ngày 11/05/2013 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lãi suất ngân hàng đang là vấn đề nóng sau khi hàng loạt các ngân hàng quốc doanh mở màn cho đợt giảm mạnh lãi suất huy động, xuống mức rất thấp trong nhiều năm qua.
Bình luận 0

Tiền gửi thực dương không còn

Lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục được thông báo giảm mạnh. Sau Vietcombank đi tiên phong hạ lãi suất huy động xuống 6%, tiếp tục đến lượt BIDV rồi Vietinbank. Đỉnh điểm là Agribank đang là ngân hàng giữ mức lãi suất thấp nhất, chỉ 5% đối với tiền gửi ngắn hạn. Các mức lãi suất nói trên của các ngân hàng thực tế thấp hơn nhiều so với trần quy định là 7,5%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), áp dụng từ 28.3.

img
Người gửi tiền có vẻ đang bị các ngân hàng “xử ép” (ảnh minh họa)

Mặc dù theo nhận định của các chuyên gia, việc các ngân hàng chủ động giảm lãi suất huy động thấp hơn cả trần lãi suất quy định của NHNN là một bước đi “khôn ngoan” và đúng hướng. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là với mức lãi suất như vậy, đang gây ra sự thiệt thòi rất lớn cho người gửi tiền trong khi lại đang tạo thuận lợi cho các ngân hàng bởi lãi suất cho vay không vì thế mà hạ nhiệt, trên thực tế vẫn đang duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 11-13%. Rõ ràng các ngân hàng có vẻ đang “xử ép” với người gửi tiền.

Agribank cho biết: Sẽ thực hiện giảm lãi suất cho toàn bộ các khoản vay cũ đang có lãi suất cao hơn 13%/năm sẽ đồng loạt rút về tối đa 13%/năm. Các khoản vay mới là ngắn hạn áp quanh 10%/năm, trung dài hạn khoảng 12%/năm.

Bởi hiện tại, trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, sản xuất chưa có dấu hiệu khởi sắc, tiền trong ngân hàng còn “ế” nên dù lãi suất thấp, người có tiền vẫn phải chấp nhận gửi tiền vào ngân hàng vì đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn nhất. Người gửi tiền thấy rõ cái thiệt vì chỉ số giá tiêu dùng tuy đã tăng chậm lại, từ đầu năm tới cuối tháng 4 chỉ ở mức 2,41%, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này đã tăng 6,61%. Vì vậy, với đà giảm lãi suất nhanh như hiện nay, tiêu chí tiền gửi thực dương gần như không còn.

Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào muốn vay cũng có thể được vay với mức lãi suất mà các ngân hàng công bố là đã hạ hay “ưu đãi”. Minh chứng là ngay tại Techcombank, ngân hàng vừa triển khai gói dịch vụ cho vay cá nhân dùng trong mua bất động sản, vay xây sửa nhà, vay mua ô tô, vay hộ kinh doanh thì mức lãi suất 10,99%/năm cũng chỉ là áp dụng trong 3 tháng đầu tiên. “Nếu có vay được thì doanh nghiệp cũng không biết được những tháng sau lãi suất có còn rẻ như vậy không” - đại diện một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị trường học băn khoăn.

“Hiện tại, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vẫn ở mức cao, khoảng 4-5%, trong khi ai cũng hiểu mức chênh lệch hợp lý chỉ vào khoảng 3-3,5%. Lãi suất cho vay phải kéo xuống mức 9-10%/năm và thậm chí thấp hơn nữa thì doanh nghiệp mới có thể kinh doanh có lãi và lợi nhuận mới thực sự chia đều cho các bên: Ngân hàng, người gửi tiền và doanh nghiệp” - chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

NHNN “chậm chân” với lãi suất

Nói như vậy bởi gần 1 tuần sau khi các NHTM tuyên bố hạ lãi suất huy động, sáng 10.5, NHNN mới tổ chức họp báo công bố hạ các mức lãi suất điều hành chủ chốt thêm 1%. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 8% xuống 7%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 6% xuống 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm giảm từ 9% xuống còn 8%/năm. Riêng về trần lãi suất tiết kiệm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết chưa hạ.

Với việc điều chỉnh lãi suất lần này của NHNN sẽ tác động trực tiếp tới nguồn đầu vào của các ngân hàng và từ đó tạo điều kiện để hỗ trợ nguồn vốn tốt hơn, chi phí có thể dễ chịu hơn để họ có thêm cơ sở tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, hoàn toàn dễ hiểu với việc giữ nguyên trần huy động VND là bởi các NHTM đã đi trước một bước khi đưa lãi suất huy động áp dụng còn thấp hơn trần do NHNN quy định. Đại diện NHNN cho biết: NHNN hỗ trợ bằng các lãi suất điều hành, để các NHTM sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh rõ ràng hơn về lãi suất huy động để buộc các ngân hàng tiết giảm chi phí làm bước đệm cho việc hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, xung quanh những biến động về lãi suất thời gian gần đây, điều dư luận và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và hy vọng là liệu sắp có một đợt giảm lãi suất cho vay mới hay không?

TS Lê Thẩm Dương-Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay chỉ có khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tiến hành giảm lãi suất, trong khi đó, các ngân hàng cổ phần tư nhân chưa có biểu hiện gì. Như vậy, chỉ có thể khẳng định ý đồ của các ngân hàng này rất rõ nét: khuyến khích người dân gửi kỳ hạn dài.

Từ đây, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Đây là việc thời gian qua các ngân hàng chưa từng làm được. Còn việc sẽ có hay không một đợt giảm mạnh lãi suất cho vay thì vẫn còn cần đến nhiều điều kiện hơn nữa, chẳng hạn như sức ép từ tỷ lệ tăng tín dụng từ NHNN, hoặc thậm chí phải chờ đến khi tiền trong các NH cũng “bí” đầu ra khi không thể tiếp tục “đổ” vào trái phiếu Chính phủ chẳng hạn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem