Theo ông Long, từ năm 2010, thực hiện kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang phố cổ, ban Quản lý phố cổ đã triển khai nhiều phần việc, và lát đá chỉ là một trong các hạng mục nằm trong việc chỉnh trang, cải tạo hạ tầng các tuyến phố. “Bằng việc cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đến nay quận Hoàn Kiếm đã cải tạo, hạ chìm cống nổi và lát đá tự nhiên vỉa hè của 77 trên tổng số 79 phố cổ. Đặc biệt, để có hạ tầng đồng bộ, trong các năm 2010, 2011 quận Hoàn Kiếm đã cải tạo mặt đứng các tuyến phố Mã Mây, Hàng Buồm, Đào Duy Từ, Tạ Hiện...”.
Phố Tạ Hiện sau khi được lát đá xanh tự nhiên. Ảnh: Tâm Anh.
Giải thích cho việc lát đá xanh tự nhiên mặt đường gồm vỉa hè và lòng đường đoạn từ phố Đào Duy Từ đến Lương Ngọc Quyến, theo ông Long, điều này đã tạo nên sư đồng bộ cho hai tuyến phố trên và khu phố trở thành địa điểm hút khách du lịch. Ông Long dẫn chứng, từ khi tuyến phố Tạ Hiện được lát đá, việc kinh doanh, buôn bán tại đây chuyển sang chuyên dụng và giúp phường Hàng Buồm thu hút thêm 23 nghìn lượt khách du lịch lưu trú trong năm 2014.
Trước kết quả tốt đẹp của việc thí điểm lát đá tự nhiên, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục có đề xuất với UBND TP cho lát đá tự nhiên với kích thước 10x10x10 cm mặt đường 11 tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ nhằm mục đích thúc đẩy khai thác tối đa cảnh quan kiến trúc ở phố cổ Hà Nội. 11 tuyến phố này có thể được chia làm hai nhóm. Một, gồm 5 phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy sẽ trở thành tuyến phố thương mại. Nhóm còn lại Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Giầy, Đào Duy Từ sẽ là khu phố ẩm thực đi bộ.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý phố cổ, đề xuất này mới là chủ trương và sẽ được lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, cộng đồng dân cư và sẽ có kế hoạch cụ thể. Trước những câu hỏi liên quan đến kinh phí thực hiện, ông Long cho biết, lát 55 m đá xanh tự nhiên trên phố Tạ Hiện hết hơn 1,5 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện lát đá 11 tuyến phố, chưa thể đưa ra vì kế hoạch vẫn đang là đề xuất.Tuy nhiên, từ số tiền chi cho việc lát đá tuyến phố Tạ Hiện, nếu nhân với độ dài 11 tuyến phố tương đương 2.200m² dự kiến được thực hiện tương tự sẽ ra con số gần trăm tỷ đồng.
Việc trơn trượt trên tuyến phố Tạ Hiện được Ban Quản lý phố cổ giải thích không phải do đá bởi đá xanh là loại đá nhám mà do các hàng kinh doanh ăn uống tại khu phố này khá nhiều, dẫn tới việc dầu mỡ bám vào đá. Cơ quan quản lý cũng đã tuyên truyền và nhắc nhở người dân giữ vệ sinh tuyến phố. Phố Tạ Hiện sau khi được lát đá cũng đã thực hiện cấm ô tô lưu thông, chỉ còn xe máy và người đi bộ hoạt động. Nếu các tuyến phố được đề xuất hoàn thành, phương án hạn chế phương tiện giao thông cũng có thể được tính đến.
Theo ý kiến của KTS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, người được Ban Quản lý phố cổ mời tới buổi họp báo chiều ngày 17-8, ông chỉ biết tới đề xuất này của quận Hoàn Kiếm qua báo chí. Quan điểm của ông là việc nhân rộng lát đá chưa phù hợp về thời điểm. GS - KTS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh: “Phố cổ Hà Nội đang có rất nhiều việc cần phải làm trước. Chẳng hạn, phải có cách quản lý không gian, đô thị phố cổ hiệu quả, để “dẹp” được tình trạng mái che, mái vẩy, buôn bán lộn xộn”.
GS Hoàng Đạo Kính phân tích, phố cổ Hà Nội là hiện thân của sự công sinh giữa dân cư, kiến trúc, văn hóa và các thời kỳ lịch sử. Có thể việc cải tạo, nâng cấp phố cổ là bình thường, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để nó thật hài hoà, ăn khớp, không tạo ra sự tương phản lẫn nhau.
“Vừa qua Hà Nội đã phủ nhựa, bê tông nhiều con đường nhưng có làm sao đâu? Việc lát đá ở phố cổ đừng làm vội, vì còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ, và nên làm trong một trình tự cho phù hợp. Mặt khác, việc lát đá 10x10 cm, ô tô vẫn đi, cứu hỏa vẫn vào được, dù loại đá này xuất xứ từ Châu Âu, rất điển hình nhưng cũng nên cân nhắc thêm khi sử dụng loại đá này. Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ lát đá trong dịp kỷ niệm 1000 năm thăng Long Hà Nội trước đây. Việc lát đá vỉa hè ở mấy chục con phố rất cẩu thả, vội vàng, gấp gáp, thậm chí có nơi chỉ xếp đá vào đó thôi. Hệ quả là đã để lại cho Hà Nội những vỉa hè khấp khểnh. Do vậy việc lát đá lần này cũng cần phải nghiên cứu thêm”, GS Hoàng Đạo Kính nêu ý kiến.
Cũng có ý kiến ủng hộ phương án của UBND quận Hoàn Kiếm. Theo KTS Đoàn Kỳ Thanh, việc lát đá góp phần tôn tạo bộ mặt cảnh quan đô thị. Ông Thanh cho rằng những viên đá lát nhỏ sẽ khiến cho mặt đường đi bộ gần gũi, ấm cúng hơn.
“Trên thế giới, các TP lát đá đường phố rất nhiều nên đây cũng không phải là vấn đề mới mẻ. Ở nước ngoài, người ta không lát đá mà xếp đá để con đường “thở được”, nước dễ thẩm thấu, tốt cho môi trường. Thứ hai, đường lát đá thi công đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì mặt đường có độ bền cao, dễ bảo trì, bảo dưỡng. Khi cần chỉ cần cậy lên, sửa chữa, cải tạo, bảo dưỡng xong thì lát lại. Tôi không phải là nhà kinh tế nên không bàn vấn đề ở góc độ kinh tế, cũng không bàn chuyện lát đá đắt tiền hay không. Tôi chỉ có thể nói, đối với tuyến phố đi bộ, lát đá được là tốt nhất, khi không có điều kiện mới làm đường nhựa, đường bê tông…”, ông Thanh nêu dẫn chứng.
Chi Linh (Công an Nhân dân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.