Thông tin được Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết tại cuộc họp trực tuyến về phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV), chiều 5/2.
Theo ông Hạnh, đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV. "Hiện nay Hà Nội chưa có ca dương tính, chỉ cần có một ca dương tính, Sở Y tế sẽ tham mưu với UBND thành phố báo cáo Bộ Y tế công bố dịch"- ông Hạnh nói.
Theo cập nhật thông tin mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 11h00 sáng nay (6/2), Hà Nội đang tiến hành giám sát tại bệnh viện 41 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus nCoV.
Trong đó, số trường hợp đã xét nghiệm âm tính với nCoV là 37. Số trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm và tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ là 4 người. Tổng số trường hợp tiếp xúc gần cần được giám sát là 179, trong đó số đã kết thúc giám sát là 168, số đang tiếp tục giám sát là 11. Bên cạnh đó, hiện nay Hà Nội có 1.102 người đến từ vùng dịch cần giám sát y tế. Trong đó, 698 người còn phải giám sát y tế, 404 người đã kết thúc giám sát y tế.
Những ngày qua, Hà Nội đã tổ chức phun thuốc sát trùng trụ sở các cơ quan, bệnh viện, trường học, nhà ga, bến xe và các nơi công cộng trên địa bàn thành phố phòng chống dịch bệnh nCoV.
Nhận định về tình hình dịch nCoV, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, hiện nay dịch bệnh đã xâm nhập và có ca lây thứ phát tại nước ta, vì vậy nguy cơ dịch lây lan bùng phát tại cộng đồng là rất lớn nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo ông Hạnh, để đáp ứng kịp thời nguồn lực cho công tác phòng chống dịch nCoV, liên sở Tài chính - Y tế đã đề xuất UBND thành phố bổ sung kinh phí đợt 1 là hơn 254 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch nCoV như: hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hoa, bảo hộ cá nhân, chống nhiễm khuẩn, bộ quần áo dùng một lần… Ông Hanh cũng cho biết, tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh bổ sung khi cần thiết.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm như hiện nay, rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển. Bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.
Nhận định về tình hình dự báo, ông Hạnh nói: “Theo nhận định của một số chuyên gia, dịch bệnh đạt đỉnh trong vòng từ 7 đến 10 ngày tới, tuy nhiên cũng có chuyên gia cho rằng thời gian đỉnh dịch có thể vào khoảng 1 tháng tới. Dù vậy số mắc có thể cao với tốc độ lây lan nhanh, song tỉ lệ tử vong của dịch bệnh này chỉ khoảng 2% và thường gặp ở những người có bệnh lý kèm theo. Cho nên chúng ta hết sức bình tĩnh trước căn bệnh này”.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở ban ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực để quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn như: tăng cường giám sát người đi từ vùng dịch về lưu trú trên địa bàn; vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống dịch tại tất cả các cơ quan công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học, các khu chung cư… trên địa bàn.
Sở cũng đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành phối hợp xây dựng phương án triển khai bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh bùng phát… Sở cũng tiếp tục giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh qua Cảng hàng không Sân bay quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai việc áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu; Chủ động phối hợp với viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.