Theo các chuyên gia, Thủ đô Hà Nội có hệ thống sông ngòi dày đặc, ngoài một số sông lớn bao quanh TP như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy;... một số dòng sông trong nội đô như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, Sông Lừ, sông Sét... từng là những tuyến cảnh quan mặt nước hấp dẫn trong quá trình phát triển của Hà Nội. Nhưng đến nay, những dòng sông này chủ yếu tồn tại với chức năng thoát nước thải của TP, cảnh quan môi trường đã xuống cấp.
Cứ 1km lại có 7 ống xả thải trực tiếp ra sông
Ông Trần Tuấn Anh, đại diện Công ty CP R&D Quy hoạch (R&D Planners) - đơn vị tư vấn đề xuất ý tưởng cho biết, hiện tại, sông Kim Ngưu đang phải hứng chịu một lượng nước thải lớn từ các hộ dân sống xung quanh. Theo nghiên cứu, cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông.
Sông Kim Ngưu cũng đang gánh đồng thời lượng nước thải lớn xả thẳng, không qua xử lý từ các tuyến đường: Lò Đúc, Trần Khát Chân. Các cửa thoát nước thải hai bên bờ đổ xuống lòng sông ở độ cao 2-3m so với đáy sông gây ô nhiễm không khí nặng.
Sông Kim Ngưu bị ô nhiễm nặng. Ảnh: THÀNH AN
Trước tình trạng này, R&D Planners đã xây dựng phương án cải tạo lại môi trường sông Kim Ngưu trên diện tích 42.000 m2, chiều dài hơn 1,2km từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân đến cầu Mai Động, trong tương lai sẽ hoàn thành toàn tuyến 3km nối với trạm bơm Yên Sở. Khi hình thành toàn tuyến, dự án sẽ đạt được mục tiêu cải tạo triệt để môi trường cảnh quan, ô nhiễm mùi và không khí cho sông Kim Ngưu.
Theo phương án, việc cải tạo môi trường sông Kim Ngưu sẽ được thực hiện theo hướng tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt. Mặt nước chính của dòng sông phục vụ thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường đô thị kết hợp chức năng thương mại dịch vụ (TMDV) phát huy yếu tố công cộng.
“Khi hoàn thành, dự án không chỉ đảm bảo mục tiêu thoát nước, làm sạch môi trường mà còn cung cấp lượng cây xanh nhằm giảm nhiệt đô thị, cung cấp môi trường sinh thái trong lành và là điểm giải trí mới của Hà Nội” - ông Tuấn Anh cho hay.
Tạo "cú hích" trong xử lý nước thải
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết: Chúng ta thường quan tâm đến vấn đề giao thông, kẹt xe, nhà siêu mỏng, siêu méo, quảng cáo lộn xộn... còn vấn đề ô nhiễm các dòng sông có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân lại chưa được quan tâm nhiều.
Theo nghiên cứu, cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông. Ảnh: THÀNH AN
Theo ông Chính, ý tưởng này nếu được đưa vào thực hiện thì trước hết sẽ cải tạo được môi trường không khí cho người dân xung quanh và tổ chức lại các hoạt động công cộng để làm sống động lại khu vực sống tạo thành một nơi vui chơi, thương mại, dịch vụ.
Các giải pháp được đưa ra sẽ đảm bảo thu gom 100% nước thải của các hộ dân dọc theo xung quanh khu vực, không ảnh hưởng đến mặt nước tự nhiên của dòng sông; Hình thành hệ thống sông hai lớp, đảm bảo thoát nước cho toàn bộ lực vực đường Trần Khát Chân, phố Lò Đúc cũng như thoát nước mưa dọc hai bên đường Kim Ngưu; Hình thành tuyến phố thương mại, dịch vụ hấp dẫn, độc đáo, thân thiện cho người dân Hà Nội và du khách. Tuyến phố đi bọ dọc sông đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ em và người già.
Bên cạnh đó, sẽ giải quyết vấn đề đậu xe công cộng thông qua bố trí các nhà đậu xe tự động, cao tầng và bố trí các dãy nhà thương mại, dịch vụ phù hợp với tổng thể, không ảnh hưởng đến cảnh quan, dòng chảy của dòng sông.
Ngày 15.8, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm đề xuất ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu, đoạn từ đường Trần Khát Chân tới cầu Mai Động. Ảnh: THÀNH AN
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: chúng ta quan tâm đến những dòng sông, mặt nước của Hà Nội mà khu vực đang quan tâm là điểm nóng là khu vực phát triển giao thời giữa 2 thời kỳ (thời kỳ quá độ và thời kỳ phát triển kinh tế thị trường). “Nếu chúng ta làm được điều này, sẽ tạo cú hích trong việc xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường ở đây” - ông Dương Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi trường xây dựng VN, dự án cần được nghiên cứu triển khai trên toàn bộ chiều dài 3km của sông Kim Ngưu.
“Nếu chỉ thực hiện cải tạo trên 1,2km, nước thải đổ ra sông sau 1,2km sẽ hòa vào nước của dòng sông đoạn sau gây ô nhiễm nặng nề hơn cho dân cư đoạn sông 2km còn lại. Có thể nghiên cứu dự án theo 3 giai đoạn: Thoát nước thải sinh hoạt cho các công trình dân sinh hai bên sông suốt chiều dài 3km; Xử lý dòng chảy (nước mưa hoặc nước cấp) của sông và cuối cùng là đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, dịch vụ kinh doanh ven sông”, ông Nguyên nói.
Còn theo ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam thì cho rằng: Cần đề xuất phương án quy hoạch toàn bộ dòng sông Kim Ngưu. Bên cạnh đó, hiện trong phương án giới thiệu đang có hệ thống thương mại dịch vụ quá nhiều, thiếu các dự án phục vụ công trình công cộng, nơi sinh hoạt cộng đồng. Ở một vài điểm nên làm cầu vượt sông. Điều này vừa tăng diện tích sử dụng vừa làm các công trình phục vụ cộng đồng.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến đầu năm 2018, bình quân mỗi ngày đêm người dân Hà Nội đưa ra môi trường tự nhiên khoảng 650.000 - 700.000 m3 nước thải và hơn 1.000 m3 rác. Do năng lực của hệ thống xử lý nước thải có hạn nên đến nay vẫn có khoảng 1/3 số nước thải nói trên không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi… của Hà Nội.
Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn đang còn rất nhiều bệnh viện và cơ sở sản xuất chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng các hệ thống này hoạt động không hiệu quả. Điều này được coi là nguyên nhân chủ yếu làm cho tình trạng ô nhiễm các dòng sông ở Hà Nội không những không được cải thiện mà còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn.
Có thể kể ra khá nhiều sông đang bị ô nhiễm chảy qua địa bàn Hà Nội, như: Sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu… Kết quả phân tích nước tại các dòng sông này cho thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước đều đang ở mức đáng báo động; nhiều hàm lượng vượt gấp nhiều lần so với quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.