2.000 con sông đứng trước nguy cơ chết
Theo đánh giá của các nhà khoa học, chất lượng nước trên các con sông đang bị ô nhiễm ở mức báo động. Nguyên nhân chính là do nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải ra từ các làng nghề, nhất là các đoạn sông chảy qua khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.
Người dân lấy nước sản xuất vụ đông xuân 2018 trên cánh đồng thuộc xã Đông Hưng, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh: T.Q
Ông Hoàng Văn Bẩy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TNMT) cho hay: Hiện nay ở nước ta có 3 lưu vực sông bị ô nhiễm trọng điểm, đó là lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và lưu vực sông Đồng Nai. Đến nay Bộ cũng đã có 3 đề án bảo vệ môi trường nước các lưu vực sông đó và hiện đang được triển khai rất khẩn trương với mục tiêu bảo vệ, giữ gìn nguồn nước của 3 lưu vực sông trên trước sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. |
TS Đào Trọng Tứ - thành viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng: "Hiện nay tất cả các con sông, ngòi của Việt Nam đang ở trong tình trạng nguy cấp ở mức độ khác nhau do chịu ảnh hưởng của sự phát triển. Ví như sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm rất nặng nề, sông Bắc Hưng Hải cũng đang trong tình trạng tương tự...".
Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT), nước sông, ngòi của nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, thuốc trừ sâu, vi khuẩn..., gây nguy hại đến sức khỏe của người dân sống trên các lưu vực sông khi họ sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt.
Đơn cử như tại lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trong quá trình lấy nước đổ ải vụ đông xuân vừa qua, khi bơm nước lên nổi bọt trắng xóa như tuyết mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp và y tế với tổng lượng nước thải khoảng 800.000 m3/ngày đêm. Do nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng nên trên hệ thống sông này hàng năm thường xuyên xảy ra các sự cố về môi trường, điển hình như hiện tượng nước nổi bọt trắng xóa, cá chết hàng loạt.
Ông Đinh Xuân Thông - Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nam cho biết, ô nhiễm của hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy năm nay có diễn biến phức tạp hơn các năm trước đây rất nhiều. "Dù các địa phương vào cuộc, nhưng hiệu quả của việc xử lý nước thải trước khi chảy ra môi trường, đặc biệt là vào sông Nhuệ, sông Đáy hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là đối với khu vực Hà Nội, tất cả các chỉ tiêu chúng tôi quan trắc được ở khu vực sông Nhuệ, sông Châu, sông Duy Tiên đều không đảm bảo" - ông Thông nói.
Cần sự vào cuộc của các tỉnh, thành
TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho biết, những bất cập chính hiện nay đó là quản lý lưu vực sông chưa thực sự theo phương pháp tổng hợp và bền vững mà vẫn theo địa giới hành chính. Thêm vào đó là chúng ta vẫn chưa có quy hoạch phát triển tài nguyên nước toàn diện trên các hệ thống lưu vực sông mà thường vẫn là quy hoạch riêng rẽ như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện.
Chính điều này dẫn đến việc thiết kế, xây dựng và vận hành các hồ chứa, nhu cầu nước để duy trì hạ lưu công trình chưa được xem xét đầy đủ đã tạo nên những đoạn sông chết ở phía hạ lưu. Theo ông Tiến, nếu chúng ta không có các giải pháp kịp thời thì hơn 2.000 con sông ở nước ta có nguy cơ trở thành dòng sông chết.
Do đặc thù của các lưu vực sông ở nước ta là trải qua nhiều tỉnh, thành, khu vực nên để có thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông theo ông Tiến từng tỉnh, thành phải làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. "Các tỉnh cần khẩn trương triển khai kế hoạch, bố trí kinh phí thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý rác thải, chất thải rắn từ khu công nghiệp, khu đô thị, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật" - ông Tiến khẳng định.
Tại nước ta, Chính phủ đã có quyết định thành lập 3 ủy ban lưu vực sông lớn gồm Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Theo đó, ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực các sông đã xây dựng được cơ chế phối hợp, đổi mới pháp chế, thiết kế lại các công cụ kinh tế trong chính sách nước, thiết kế lại các tổ chức kinh tế. Đây là những việc làm cần thiết nhằm bảo vệ môi trường các dòng sông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.