Hà Nội: Điếm canh đê “bay mất cửa", xuống cấp khi mùa mưa bão đến gần

Song Phúc Chủ nhật, ngày 26/05/2024 11:33 AM (GMT+7)
Nhiều điếm canh đê trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên (Hà Nội) đang bị mất cửa, xuống cấp trong khi mùa mưa bão đang đến gần.
Bình luận 0

Video cận cảnh nhiều điếm canh đê mất cửa, xuống cấp, không có dấu hiệu được sử dụng. Thực hiện: Song Phúc.

Hà Nội có vị trí địa lý đặc biệt khi có nhiều con sông lớn chảy qua, bao quanh thành phố như sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy… 

Với vị trí địa lý như thế, hệ thống đê điều chống thoát lũ của Hà Nội đa dạng và có vai trò hết sức quan trọng, nằm trong hệ thống các công trình phụ trợ quan trọng phục vụ công tác phòng chống lụt bão thiên tai.

Hà Nội: Điếm canh đê “bay mất cửa", xuống cấp khi mùa  mưa bão đến gần- Ảnh 1.

Điếm canh đê ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín xuống cấp, cửa bị hư hỏng.

"Chống lụt như chống giặc", "Phòng chống thiên tai bắt đầu từ cộng đồng" hay "Chủ động phòng chống thiên tai là trách nhiệm của toàn xã hội"… là những khẩu hiệu được viết trên các điếm canh đê dọc tuyến đê sông Hồng đoạn qua 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên.

Những khẩu hiệu đó chứng minh tầm quan trọng của những điếm canh đê. Tuy nhiên, ghi nhận của báo điện tử Dân Việt cho thấy hầu hết những điếm canh này đều đã xuống cấp hoặc đã bị tháo dỡ cánh cửa một cách tan hoang khiến người dân sinh sống ở các xã dọc tuyến đê sông Hồng ngỡ ngàng, bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Thượng Giáp, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín) chia sẻ: "Điếm canh đê có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi mùa mưa bão đến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số đối tượng đã phá cửa sổ và cửa ra vào ở các điểm canh đê. Người dân chúng tôi khi biết việc này khá bức xúc".

Hà Nội: Điếm canh đê “bay mất cửa", xuống cấp khi mùa  mưa bão đến gần- Ảnh 2.

Các khung cửa sổ của điếm canh đê ở xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên "không cánh mà bay".

Anh Hoàng Văn Hưởng, thôn Đạt Dương, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên cho hay, việc đầu tư kinh phí cho mỗi điếm canh đê không hề nhỏ, trong khi đó một số điếm canh đê vừa xây xong đã bị các đối tượng tháo dỡ cánh cửa hoặc làm hư hỏng công trình.

"Hiện nay một số điếm canh đê trên địa bàn đã xuống cấp trầm trọng không có cửa sổ cũng chẳng có cửa ra vào, có những đoạn tường gạch lở, rác xung quanh. Và nguy hiểm hơn, khi bị bỏ hoang nơi đây rất dễ bị các đối tượng nghiện ngập tụ tập, chiếm dụng vào đêm muộn gây mất an toàn, trật tự xã hội", anh Hưởng lo ngại.

Theo người dân ở xã Nam Tiến, một số điếm canh đê ở xã cũng có dấu hiệu xuống cấp, cửa không đảm bảo, nhất là khi mùa mưa lũ sắp đến gần.

Hà Nội: Điếm canh đê “bay mất cửa", xuống cấp khi mùa  mưa bão đến gần- Ảnh 3.

Dù bề ngoài điếm canh đê đã được sơn mới nhưng bên trong vẫn đầy rác thải và không có vật liệu trang bị cho công tác hộ đê.

Ông Nguyễn Quốc Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên cho hay, trước đó có đội trông điếm canh đê của các xã nhưng từ lâu đội ngũ cán bộ này không quản lý. Thay vào đó, hiện nay các Hạt quản lý đê ở các quận, huyện quản lý, vận hành điếm canh đê.

Trước đó, từ năm 2016 Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng sông Thái Bình. Trong đó nhấn mạnh, nhiệm vụ hộ đê phải được tiến hành thường xuyên và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhất là trong mùa lũ, bão;

Cơ quan chức năng phải tổ chức cứu hộ kịp thời khi đề điều có sự cố hoặc có nguy cơ bị sự cố. Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để cứu hộ đê phải được thực hiện kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ, đúng thẩm quyền.

Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho công tác hộ đê phải được chuẩn bị đầy đủ theo phương án hộ đê kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, coi trọng ứng dụng vật liệu mới khoa học công nghệ, thiết bị tiên tiến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem