Ngày 15/11, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký văn bản số 5119/UBND-NC gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và UBND các quận, huyện, thị xã về việc tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng đã đóng bảo hiểm từ năm 2015 trở về trước.
Trong đó ghi rõ căn cứ vào văn bản số 5378/BNV/CCVC ngày 5/11 do Bộ Nội vụ ban hành, UBND TP.Hà Nội giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm từ năm 2015 trở về trước, tạm dừng việc thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã để thực hiện theo nội dung của văn bản nêu trên, báo cáo UBND thành phố.
Văn bản ban hành ngày 15/11 ghi rõ tạm dừng thi tuyển và xét tuyển do UBND TP.Hà Nội ban hành.
Bên cạnh đó, tạm dừng việc thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã để thực hiện việc tuyển dụng đặc cách này, đồng thời báo cáo UBND thành phố.
Ngay sau khi văn bản kể trên được ban hành, nhiều thầy, cô giáo hợp đồng trên địa bàn TP.Hà Nội như trút được gánh nặng bấy lâu nay về tương lai của mình.
Tuy nhiên, ngay trong chiều ngày 15/11, UBND TP.Hà Nội tiếp tục ban hành văn bản số 5130/UBND-NC do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, về việc tiếp tục thực hiện việc thi tuyển và xét tuyển kỳ tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập.
Cụ thể, theo kế hoạch vòng 2 của kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục trên địa bàn TP.Hà Nội sẽ tiếp tục được tổ chức vào ngày 17/11, đồng thời sẽ bổ sung đủ chỉ tiêu biên chế để triển khai thực hiện tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ tại văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Một giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, bản thân và nhiều đồng nghiệp "chưa kịp hết mừng đã phải lo" khi UBND TP.Hà Nội ban hành liên tiếp hai văn bản trong ngày 15/11. "Tại sao lại có sự thay đổi tới "chóng mặt" trong công tác tuyển dụng như vậy? Lúc thì hoãn, lúc lại tiếp tục thi, trong khi đó, Bộ Nội vụ chỉ đạo xét tuyển đặc cách trước, nếu còn chỉ tiêu thì mới tiếp tục cho thi tuyển. Bản thân tôi đã có tới hơn 10 năm đứng trên bục giảng, tôi tự tin rằng mình có đủ khả năng để truyền đạt tốt kiến thức tới học sinh. Tôi rất mong lãnh đạo thành phố có thể nhìn nhận thấy năng lực thật sự của các giáo viên giống như tôi để đặc cách tuyển dụng vào ngành", giáo viên này cho biết.
"Bộ Nội vụ đã có văn bản cụ thể về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động, tại sao Hà Nội vẫn loay hoay giữa xét và thi? Mặc dù Bộ Nội vụ đã có văn bản từ ngày 5/11 chỉ đạo việc tuyển dụng đặc cách, nhưng tới tận ngày 15/11 UBND TP.Hà Nội mới có văn bản chỉ đạo dừng thi tuyển, xét tuyển. Thế nhưng ngay lập tức lại có văn bản khác yêu cầu tiếp tục việc đó. Trong cùng một ngày, thành phố ra hai công văn trái ngược mà không có quyết định hủy công văn nào khiến giáo viên hợp đồng chúng tôi vô cùng hoang mang về số phận của mình", thầy giáo N.V.T - giáo viên hợp đồng tại Sơn Tây, Hà Nội bày tỏ.
Rõ ràng việc xét tuyển, thi tuyển viên chức ngành giáo dục TP.Hà Nội vẫn chưa được thực hiện một cách "trơn tru", có bài bản và nhất quán. Trước đó, Sở Nội vụ Hà Nội có Văn bản số 1554/SNV-SDCD ban hành vào ngày 7/7/2019 trả lời đơn kiến nghị được xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện, thị xã. Cụ thể, thành phố sẽ cho rà soát và xem xét tuyển dụng đặc cách với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định 161/2018.
Tuy nhiên, ngày 9/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố lại ra thông báo cho biết, qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số 2.923 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại khoản 7 điều 2 Nghị định 161/2018.
Theo biên chế giáo viên năm 2019 của Hà Nội là 80.812 người và số giáo viên hiện có là 68.282 (khuyết 12.530 người). Trong đó, số giáo viên hợp đồng đang giảng dạy ở 3 khối là 8.394 người.
Số giáo viên có thời gian hợp đồng dưới 5 năm là 5.664 người và số giáo viên có thời gian hợp đồng lao động liên tục từ 5 năm đến 19 năm tại toàn bộ 19 quận huyện là 2.730 người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.