Hà Nội: Huyện nào sở hữu nhiều sản phẩm OCOP đạt 4-5 sao, sẵn sàng "bơi" ra biển lớn?
Hà Nội: Huyện nào sở hữu nhiều sản phẩm OCOP đạt 4-5 sao, sẵn sàng "bơi" ra biển lớn?
Minh Ngọc
Thứ năm, ngày 11/06/2020 14:55 PM (GMT+7)
Trong 301 sản phẩm của 75 chủ thể được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) năm 2019, riêng huyện Gia Lâm đã có tới 5 sản phẩm được TP.Hà Nội đánh giá có tiềm năng 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Các sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm được T.P Hà Nội đánh giá có tiềm năng 5 sao và đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia gồm: 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, bao gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én – hoa sen và bộ ấm chén chim én – hoa sen.
1 sản phẩm của HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh là: Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gắn với phát triển đô thị theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Theo đó, T.P Hà Nội đánh giá, xếp loại 19 sản phẩm thuộc 6 chủ thể của huyện Gia Lâm. Trong đó, 5 sản phẩm được đánh giá có tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia và 14 sản phẩm đạt 4 sao OCOP.
"Ngay từ đầu năm 2020, UBND huyện Gia Lâm đã triển khai văn bản về kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, mục tiêu phấn đấu 100% nhà quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), chủ hộ có đăng ký sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh" – bà Hằng thông tin.
Mặt khác, huyện Gia Lâm đã hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện các hồ sơ đã được UBND Thành phố đánh giá phân hạng sản phẩm tiềm năng 5 sao, đạt trên 90 điểm năm 2019 để thành phố đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Với lộ trình cụ thể hóa mục tiêu, huyện Gia Lâm phấn đấu đánh giá, phân hạng từ 60 sản phẩm trở lên trong năm 2020 thuộc 6 nhóm sản phẩm. Tập trung các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau, quả an toàn) và sản phẩm 5 làng nghề truyền thống (xã Bát Tràng, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp).
Xây dựng lộ trình hình thành 03 sản phẩm du lịch (mô hình làng nghề văn hóa, du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP; mô hình trải nghiệm nông nghiệp xã Văn Đức; mô hình làng nghề hoa cây cảnh Phù Đổng 1 xã Phù Đổng).
Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển sản phẩm OCOP, huyện Gia Lâm cũng sẽhỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm như xây dựng Website, bán hàng trực tuyến qua hệ thống Internet; gắn tem truy xuất QR Code; bao bì nhãn mác sản phẩm; xây dựng các phóng sự giới thiệu quảng bá sản phẩm; quảng bá các sản phẩm OCOP trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
"Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm; các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; phối hợp xây dựng hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các siêu thị, cửa hàng tiện tích trên địa bàn huyện và TP" – bà Hằng chia sẻ.
Sản phẩm OCOP "đón sóng" thị trường lớn
Là chủ thể có nhiều sản phẩm được đánh giá tiềm năng 5 sao nhất, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đã có những bước đi, cũng như hướng triển khai nhằm quảng bá thương hiệu gốm sứ Bát Tràng đến với thị trường. Hiện, các sản phẩm đã có mặt ở nhiều thị trường lớn trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU…
Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh chia sẻ, Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước và cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước. Để quy tụ những sản phẩm tiêu biểu nhất và những nghệ nhân tài hoa nhất phải có một không gian trưng bày sản phẩm, cũng như là nơi các nghệ nhân có thể sáng tác trực tiếp.
Theo đó, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đã xây dựng dự án "Tinh hoa làng nghề Việt Nam", diện tích 3.300m2, với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên.
"Chúng tôi dự kiến mở ở đây từ 15 - 20 làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Trong đó có các sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu" – bà Vinh nói.
Đặc biệt là tại HTX rau Văn Đức, từ khi được thành phố cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 8 loại rau, hàng nghìn hộ dân tại Văn Đức - vùng sản xuất rau lớn nhất Hà Nội đã tự tin hơn hẳn. Bà con rất yên tâm trong việc sản xuất rau VietGAP cung cấp cho thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
Hiện, HTX rau Văn Đức đang có 1.200 hộ tham gia trực tiếp sản xuất. Các hộ trực tiếp tham gia sản xuất được chia thành 20 nhóm và 5 liên nhóm, mỗi nhóm gồm 25 - 30 hộ thành viên trồng rau.
Trong đó, mỗi nhóm, liên nhóm bầu ra 1 tổ trưởng làm nhiệm vụ giám sát, quản lý và đảm bảo toàn bộ diện tích rau được trồng đồng bộ theo đúng quy trình (mỗi tổ trưởng được hỗ trợ mức lương từ 600.000 - 1,3 triệu đồng/tháng).
Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ rau Văn Đức cho hay: Hiện, trung bình mỗi ngày HTX rau Văn Đức cung cấp ra thị trường khoảng 40 - 50 tấn rau các loại. Đặc biệt, HTX này vẫn đang duy trì xuất khẩu từ 300 - 500 tấn/năm một số loại rau như cải thảo, bắp cải, súp lơ sang thị trường Đài Loan và Hàn Quốc. Đồng thời, hàng năm còn xuất khẩu rau vụ đông sang Hàn Quốc, khoảng 10 - 12 tấn/năm.
Ông Minh cho biết, nhờ canh tác sạch, hơn 220ha rau của Văn Đức luôn đạt chuẩn và trên chuẩn. Trong đó, có 26,9ha rau VietGAP, còn lại là rau an toàn. Hàng năm, HTX có kế hoạch để bà con sản xuất trên 20 chủng loại rau theo mùa vụ. Nhờ vậy, sản lượng rau ở Văn Đức mỗi năm đạt từ 35.000 - 37.000 tấn vẫn được tiêu thụ ổn định, doanh thu đạt từ 550 - 600 triệu đồng/ha/năm.
Đối với sản phẩm chưa đánh giá, phân hạng OCOP,huyện Gia Lâm sẽ định hướng, khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP, phát triển sản phẩm mớivà đa dạng hóa sản phẩm. Tập huấn, hướng dẫnthực hiện chu trình triển khai phát triển sản phẩm OCOP mới theo 6 bước: xây dựng ý tưởng sản phẩm; Phương án và kế hoạch kinh doanh; đánh giá phân hạng sản phẩm, Xúc tiến thương mại,...
Tiêu chuẩn hóa và hoàn thiện các sản phẩm hiện có (sản phẩm đã có mặt trên thị trường) đảm bảo mục tiêu đề ra; tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm và tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.