Khu đô thị mới là loại hình bất động sản không thể thiếu trong quá trình phát triển đô thị. Các dự án này được xây dựng với kỳ vọng mang đến cho cộng đồng những trải nghiệm cuộc sống mới, cao cấp và tiện nghi hơn.
Trong một thập kỷ qua, xu hướng xây dựng các khu đô thị mới nổi lên như một phong trào, điển hình nhất là khoảng thời gian từ 2008 – 2012. Song cũng chính vì sự đổ bộ ồ ạt của các nhà đầu tư, những dự án hàng triệu USD mọc lên như nấm nhưng không bán được dẫn đến tình trạng loạt nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang… cũng nhiều như nấm.
Các dự án đô thị cao cấp bị “bỏ hoang” không phải chuyện mới ở Hà Nội song đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm được hướng giải quyết triệt để.
Cụ thể, tại Hà Nội, một số công trình ở ven đô như: Khu đô thị Nam An Khánh; khu đô thị Vân Canh, khu đô thị Lideco… hay thậm chí ngay giữa trung tâm thành phố như một khu đô thị thuộc phường Phú Diễm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Dự án Làng du lịch Đại Đoàn Kết (Hồ Tây – Hà Nội)… đều chung cảnh “phơi nắng phơi sương”, bỏ hoang nhiều năm trời.
Những dự án này thường có các điểm chung như: Phần lớn đều là dự án đô thị cao cấp với mức giá dao động từ 5 tỷ - 40 tỷ đồng/căn; đã xây xong phần thô sau đó tạm dừng thi công; khai sinh từ 8 – 10 năm về trước đến nay đa số đều xuống cấp trầm trọng, hoang vắng, không có hệ thống điện - đường - trường - trạm…
Dự án “Làng du lịch Đại Đoàn Kết Hồ Tây - Hà Nội” gồm 44 căn biệt thự sang trọng, từng được nhiều cò đất chào bán với giá khoảng 220 triệu đồng/m2.
Sau khi hoàn thiện toàn bộ phần thô vào giữa năm 2016, Làng Du lịch Đại Đoàn Kết đến nay vẫn chưa được đưa vào hoạt động. Hơn 4 năm qua, khu vực này “đóng băng” một cách khó hiểu giữa trung tâm “đất vàng” với bối cảnh vắng lặng, không bóng người.
Để “tái sử dụng” đất trống, nhiều chủ dự án biến biệt thự, nhà hoang trở thành khu trọ "thời vụ" cho người lao động nghèo, trong đó chủ yếu là thợ xây công trình, sống xa quê, làm dự án thời vụ.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một dự án khu đô thị cao cấp ở quận Bắc Từ Liêm, những căn biệt thự khu này được xây dựng cách đây khoảng 10 năm theo kết cấu đơn lập, nhà vườn kết hợp cùng các dãy nhà liền kề bao quanh. Sau khi xây xong phần thô, dự án đã tạm dừng hoạt động và chưa có dấu hiệu hoàn thiện.
Tại khu nhà liền kề D4 thuộc dự án, diện tích mỗi căn ở đây trung bình khoảng 58m2 x 4 – 5 tầng, mặt tiền 4,6m. Giá trị được giao bán dao động từ 5 – 7 tỷ đồng tùy căn và tùy vị trí. Đây hiện là nơi ở của hàng trăm công nhân công trình, người lao động thu nhập thấp.
Khu nhà ở liền kề trở thành “khu tổ hợp” của những người lao động ngoại tỉnh, thu nhập thấp.
Mỗi căn 5 tầng thường có 15 – 30 người thuê với mức giá trung bình khoang 8 triệu/căn.
Anh Hữu Nghị (45 tuổi, Hưng Yên) – một thợ xây sống tại khu vực này cho biết: Anh và 2 người bạn cùng quê liên hệ thuê nhà qua một bên thứ ba. Giá thuê nhà tương đối rẻ khoảng 7 – 8 triệu/1 tháng/1 căn 5 tầng, không giới hạn người ở. Nhóm anh Nghị được ở ghép với những người làm cùng công trình. Thông thường 1 căn 5 tầng có từ 15 – 30 người ở, cả người già người trẻ, đàn ông phụ nữ, độc thân hay đã có gia đình…
Việc tận dụng các căn biệt thự, nhà liền kề đang bỏ hoang để cho thuê giá rẻ không phải chuyên mới và cũng được đánh giá là một giải pháp tốt. Ngoài việc tránh gây lãng phí tài nguyên đất, mô hình này còn giải quyết được chỗ ở cho nhóm đối tượng cần thiết như lao động ngoại tỉnh thu nhập thấp.
“Ngày làm công trường, tối ngủ biệt thự” là câu nói mà những người lao động ở đây vẫn thường đùa với nhau. Nhưng cuộc sống thực sự của họ bên trong nơi này lạị không phải là giấc mơ mà người ta vẫn thường ao ước khi nhắc đến hai từ “biệt thự”.
Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp bền vững cho các nhà đầu tư dự án và cả những người đang thuê nhà. Sự xuống cấp của công trình không chỉ gây thất thu về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người sử dụng.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.