Hà Nội: Nông dân có thu nhập hấp dẫn, bình quân 46 triệu/người/năm

Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 29/12/2018 14:00 PM (GMT+7)
Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 cho biết, thời gian qua, thành phố đã duy trì hoạt động thường xuyên kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình.
Bình luận 0

img

Hoa lan được nhân giống bằng phương pháp cấy mô hiện đại tại một trung tâm trồng hoa công nghệ cao ở Đan Phượng (Hà Nội). Trịnh Văn Bộ

Theo đó, thành phố đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Theo kế hoạch năm 2018, có 4 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM, trong đó, huyện Gia Lâm đã làm hồ sơ trình thành phố thẩm tra huyện đạt chuẩn năm 2018.

Toàn thành phố có 297/386 xã (chiếm 76,94%) đạt chuẩn NTM. Trong số 89 xã còn lại, có 72 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, còn 17 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí. Hiện nay, có khoảng 30 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018.

img

Nhờ trồng hoa lan công nghệ cao, nông dân xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) có thu nhập từ vài trăm triệu cho đến cả tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: I.T

Đáng chú ý, nhóm tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng đời sống nông dân liên tục được lãnh đạo thành phố và các địa phương quan tâm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2018 dự kiến đạt 46 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình đã có nhà kiên cố, khang trang.

Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn thành phố đạt 86,06%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%; 100% số xã đã kết nối Internet…

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (năm 2016) xuống còn dưới 2%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như Quốc Oai 0,48%, Gia Lâm 1,0%, Sơn Tây 1,07%, Phúc Thọ 1,3%, Đan Phượng 1,5%, Hoài Đức 1,51%, Đông Anh 1,57%…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do tốc độ đô thị hóa nhanh, song Hà Nội cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung đem lại hiệu quả cao như: 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao; 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung; 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 4.294 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư (tăng so với năm 2017 là 484 trại)…

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bà Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Về mục tiêu xây dựng NTM và nâng cao đời sống nông dân, bà Hằng nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng NTM; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của thành phố về giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.

Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao để tăng nhanh năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem