Không ảnh hưởng đến kết quả xây dựng NTM
Sau hơn 2 tháng dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào một hộ chăn nuôi tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), đến nay, bệnh dịch này đã lây lan ra tại 6.565 hộ chăn nuôi (chiếm 8,14% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 1.071 thôn, tổ dân phố, thuộc 331 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện; làm mắc bệnh và phải tiêu hủy 104.334 con lợn.
Các huyện có số lượng lợn bị tiêu hủy lớn là Sóc Sơn 28.988 con, Quốc Oai 9.409 con, Đông Anh 8.473 con, Phú Xuyên 6.966 con…
Chăn nuôi lợn VietGAP giúp bà Nguyễn Thị Liên ở Sóc Sơn (Hà Nội) đứng vững giữa "bão" dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hải Đăng
"Với cách làm quyết liệt và bài bản trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi như hiện nay, chúng tôi khẳng định sẽ khống chế và không để dịch tả châu Phi làm ảnh hưởng đến kết quả xây dựng NTM của thành phố".
Ông Chu Phú Mỹ
|
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình xây dựng NTM của Thủ đô, ông Chu Phú Mỹ cho hay, dịch tả lợn châu Phi đã và đang diễn biến phức tạp trên địa bàn các xã, huyện của thành phố, song đến thời điểm này tỷ lệ hộ bị thiệt hại (có lợn bị tiêu hủy) rất thấp, chỉ khoảng hơn 8% nên không làm ảnh hưởng nhiều đến kết quả xây dựng NTM, đặc biệt là tiêu chí thu nhập, hộ nghèo.
Cũng theo ông Mỹ, do các xã, huyện trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ tiêu hủy kịp thời cho các hộ có lợn bị dịch tả nên tại các địa phương ở Hà Nội không có tình trạng dân vứt lợn chết ra ao hồ, sông, kênh mương. Bên cạnh đó, các công tác tiêu hủy lợn luôn được đảm bảo công khai, minh bạch, bài bản nên người dân rất yên tâm.
Ông Mỹ cho hay, về lâu dài, để giúp người chăn nuôi phát triển bền vững, Hà Nội sẽ dần loại bỏ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư như ở các quận Hoàng Mai, Lĩnh Nam... để chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học, theo quy hoạch và chăn nuôi theo chuỗi, giúp bà con hạn chế được dịch bệnh, tránh điệp khúc "được mùa mất giá".
Nói thêm về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Mỹ cho rằng, đối với nông nghiệp, Hà Nội sẽ tập trung cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết...
Nỗ lực khống chế dịch
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ngày 13.5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong thời gian qua TP.Hà Nội đã triển khai 4 đợt tiêu độc môi trường.
Trong đó đã cấp và sử dụng 272 tấn hóa chất, 2.219 tấn vôi bột, 1.200 bộ test, 50 máy phun điện, 500 bộ bảo hộ phòng dịch cho các địa phương. Bên cạnh đó, TP.Hà Nội đã phát 20.000 tờ rơi, 5.000 cuốn sổ tay về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho các hộ chăn nuôi…
"Hiện số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm 5,57% tổng đàn lợn của thành phố" - ông Sửu khẳng định.
Ngay sau khi kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung kiểm soát hoạt động giết mổ thịt lợn trên địa bàn; chuẩn bị các hố tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh đúng quy định; kịp thời hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh, phải tiêu hủy trong thời gian không quá 5 ngày; huy động lực lượng vũ trang tham gia tiêu hủy lợn mắc dịch tả…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.