Hà Nội sắp có cầu vượt chữ Y đầu tiên

Hoàng Thành Thứ sáu, ngày 27/04/2018 18:50 PM (GMT+7)
Đối với dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, cần hoàn thiện hồ sơ chủ trương đầu tư hoàn chỉnh theo phương án thiết kế cầu chữ Y, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 theo phương án thiết kế cầu chữ C nhánh Chùa Bộc - cầu sông Lừ.
Bình luận 0

Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 80/TB-VP truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội  Nguyễn Thế Hùng, tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội, về tình hình thực hiện nhiệm vụ 3 tháng đầu năm và các tháng còn lại năm 2018.

Theo đó, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo, đối với các dự án đang trong giai đoạn chủ trương đầu tư: Dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án (hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, cầu Ngọc Hà...).

Thống nhất tổ chức họp Tổ công tác liên ngành để thẩm định đề xuất dự án; khi được Sở KHĐT mời họp lấy ý kiến, yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phải cử lãnh đạo cùng cán bộ chuyên môn đến dự, cho ý kiến và ký văn bản thẩm định.

Đặc biệt, đối với dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, cần hoàn thiện hồ sơ chủ trương đầu tư hoàn chỉnh theo phương án thiết kế cầu chữ Y, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 theo phương án thiết kế cầu chữ C nhánh Chùa Bộc - cầu sông Lừ.

img

Hà Nội sẽ xây cầu chữ Y đầu tiên tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch

Ngoài ra, UBND TP.Hà Nội cũng chỉ đạo, Sở KHĐT thực hiện thủ tục bổ sung các chưa có trong kế hoạch trung hạn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. UBND TP.Hà Nội đồng ý triển khai lập, trình thẩm định chủ trương đầu tư đối với 21 dự án cầu đi bộ đề xuất triển khai trong năm 2018 song song với quá trình bổ sung các dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đối với các dự án đang trong giai đoạn trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán: UBND TP.Hà Nội cho phép lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và triển khai các gói thầu ở bước chuẩn bị thực hiện đầu tư đối với các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa được giao kế hoạch năm 2018. Thống nhất thực hiện họp Tổ công tác liên ngành để thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán như thẩm định chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, TP giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, nghiên cứu đề xuất các nội dung liên quan đến chỉ giới đường đỏ đường Phan Kế Bính, đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3 trên cao, báo cáo UBND TP trước ngày 25.4.2018.

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội triển khai lập chỉ giới đường đỏ đường vào Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.

Đối với các dự án đang triển khai thi công: Đối với dự án mở rộng đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long), giao UBND quận Bắc Từ Liêm tăng cường công tác tuyên truyền, thuyết phục nhân dân, tiếp tục tập trung thực hiện công tác GPMB dự án.

img

Nhiều dự án công trình giao thông trên địa bàn được khai thông

Liên quan đến dự án trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, hạ ngầm đồng bộ đường điện 110KV; tập trung triển khai phần dải phân cách giữa để bàn giao Ban Quản lý dự án Thăng Long phục vụ thi công dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Cũng theo Thông báo trên, UBND TP.Hà Nội cũng thống nhất khai thông vướng mắc một số dự án công trình giao thông, như thống nhất chủ trương lát bằng đá tự nhiên đoạn từ đường số 4 đến công viên Hòa Bình (khoảng 700m) bên phải tuyến, các vị trí khác điều chỉnh sang lát gạch bê tông cường độ cao giả đá.

Đối với dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội tập trung triển khai thi công, hoàn thành 1/2 đường Nghi Tàm, trước ngày 25.4.2018; đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức phân luồng để thi công ngay 1/2 đường còn lại; trong phương án phân luồng xem xét sử dụng dải phân cách mềm để ngăn cách hai làn đường, ưu tiên làn đi từ An Dương đến cầu Nhật Tân rộng hơn.

Đối với các dự án BT, 4 dự án BT đang triển khai các thủ tục ký kết hợp đồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quản lý thực hiện hợp đồng sau khi Sở GTVT ký kết; cử người tham gia cùng Sở GTVT trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng để nắm bắt các nội dung hợp đồng phục vụ công tác tổ chức, quản lý sau này.

Đối với việc bổ sung khối lượng hạ ngầm đường điện 110KV vào dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 1563/VP-ĐT ngày 5.3.2018, đề xuất báo cáo UBND TP.

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), UBND TP giao Sở GTVT xác nhận bản vẽ thiết kế, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Nhà đầu tư cắm mốc GPMB dự án đoạn từ Km18+561 đến Km41+500 trước ngày 25.4.2018.

Tuyến đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch thường xuyên có lưu lượng phương tiện lớn vì khu vực này có nhiều trường đại học, khu dân cư, lại là tuyến xuyên tâm của phương tiện phía tây nam thủ đô.
Thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng nhiều cầu vượt nhẹ cho xe cơ giới tại một số nút giao có lưu lượng phương tiện lớn như Thái Hà - Chùa Bộc, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh... mang lại hiệu quả tích cực giảm ùn tắc tại khu vực này. Tuy nhiên, một số chuyên gia quy hoạch kiến trúc lo ngại ảnh hưởng mỹ quan đô thị và không đồng bộ trong quy hoạch giao thông thủ đô Hà Nội.
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem