Hà Nội sắp có tuyến đường hơn 9.000 tỷ đồng Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở

Thành An Chủ nhật, ngày 22/04/2018 19:43 PM (GMT+7)
Dự án tuyến đường vành đai Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, loại hợp đồng BT, chạy qua địa bàn 4 quận, có tổng vốn đầu tư vào khoảng 9.500 tỷ đồng, trong đó 4.194 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng.
Bình luận 0

Ngày 22.4, UBND TP.Hà Nội đã chính thức khởi công tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. 

Tại buổi lễ, đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Hà Nội cho biết, Dự án sẽ bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng. Đây là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng của Hà Nội. 

Sau khi hoàn thành, hệ thống đường trên cao được xây mới kết hợp với đường đi dưới thấp được mở rộng sẽ giúp phân luồng và tăng khả năng lưu thông của các phương tiện từ phía Tây đến phía Nam và phía Đông của TP, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông tuyến đường vành đai 2, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong khu vực và giải quyết cấp bách nạn ùn tắc giao thông đang tăng nhanh trong giai đoạn hiện nay.

Dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, loại hợp đồng BT; có tổng vốn đầu tư vào khoảng 9.500 tỷ đồng, trong đó 4.194 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng.

img

Lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn nút khởi công xây dựng công trình đường vành đai 2.

Theo BQL Dự án, tuyến đường bộ trên cao được xây mới hoàn toàn, gồm 1 cầu chính và 3 cầu dẫn nối từ các điểm đầu là Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Đoạn tuyến vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy; điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở, phía đường Trường Chinh. 

Tổng chiều dài đoạn tuyến xấp xỉ 5,1km; với các hạng mục: cầu chính (bề mặt 19m), cầu dẫn (bề mặt 7m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Tuyến đường trên cao được thiết kế với đầy đủ hệ thống chiếu sáng, thoát nước, tường chắn, tường chống ồn, hệ thống biển báo và an toàn giao thông.

Đoạn tuyến đi bằng sẽ có chiều dài trên 3km; điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng. Sau khi hoàn thành, tuyến đường Minh Khai  hiện nay sẽ được mở rộng ra từ 53,5 – 63,5m với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; vỉa hè mỗi bên rộng từ 4 - 6m. Dải phân cách giữa rộng 4m sẽ dùng làm nơi bố trí trụ đường vành đai 2 trên cao.

img

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại lễ khởi công ngày 22.4,2018

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Đường vành đai 2 có vị trí quan trọng trong quy hoạch thành phố, kết nối các trục Đông-Tây của thủ đô; đề nghị nhà đầu tư, chỉ đạo nhà thầu tổ chức thi công ngay sau khởi công đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ năm 2020. UBND các quận có dự án đi qua xác định hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng từ nay đến cuối năm 2018, đẩy nhanh công tác tái định cư, di dời các công trình ngầm nổi. Các đơn vị Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và sở ngành tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông khi triển khai công trình”.

Được biết, tuyến đường vành đai (trên cao và đi bằng) chạy qua địa bàn 4 quận là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2020. Giai đoạn 1 từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở có thể thi công trong vòng 15 tháng với điều kiện GPMB xong hai đầu Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng. 

Chi phí GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được lấy từ ngân sách TP. Chi phí chuẩn bị đầu tư và thi công xây dựng tuyến đường do Tập đoàn Vingroup đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng, chuyển giao (BT).

img

Tuyến đường từ cầu Vĩnh Tuy nối dài theo đường Minh Khai – Trường Chinh đến Ngã Tư Sở đi qua địa bàn 4 quận: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân là một trong những tuyến chịu áp lực giao thông lớn nhất của Hà Nội

Trước đó, TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn Vingroup ứng trước kinh phí 1.000 tỷ đồng (không tính lãi) để mở rộng đoạn đường từ chân cầu Vĩnh Tuy đến chân cầu Mai Động. 

Đến thời điểm hiện tại, việc GPMB tại khu vực nói trên đã cơ bản hoàn tất. Cùng với việc mở rộng tuyến đường bằng đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng và xây mới đường bộ trên cao từ cầu Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Sở, các điểm nóng về ùn tắc giao thông như Vĩnh Tuy - Mai Động; Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở sẽ sớm được giải quyết, giúp người dân sinh sống trên địa bàn lưu thông thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào đầu tháng 3 vừa qua. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem