Hà Nội sẽ xem xét thông qua đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy hàng nghìn tỷ đồng

Bách Thuận Thứ tư, ngày 29/05/2024 11:53 AM (GMT+7)
Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 (Kỳ họp thứ 17) của HĐND TP.Hà Nội dự kiến xem xét, thông qua Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bình luận 0

Theo HĐND TP.Hà Nội, kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 (Kỳ họp thứ 17) của HĐND TP.Hà Nội dự kiến tổ chức trong tuần từ ngày 1/7 đến ngày 5/7.

Trong Kỳ họp thứ 17, HĐND TP.Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra vào đầu tháng 7, HĐND TP.Hà Nội sẽ xem xét thông qua 57 nội dung, trong đó có xem xét thông qua Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, trong số 57 nội dung được HĐND Thành phố dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 17 gồm: Xem xét 17 báo cáo (14 báo cáo thường lệ và 3 báo cáo chuyên đề); xem xét 40 nghị quyết, gồm 1 nghị quyết thường lệ, 39 nghị quyết chuyên đề.

Trong số 39 nghị quyết chuyên đề, HĐND TP.Hà Nội dự kiến sẽ xem xét, thông qua về: Đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024; ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực du lịch của TP.Hà Nội…

Hà Nội sẽ xem xét thông qua đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy hàng nghìn tỷ đồng- Ảnh 1.

HĐND TP.Hà Nội dự kiến sẽ xem xét, thông qua Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại kỳ họp vào đầu tháng 7 tới đây. Ảnh minh hoạ/CA TP.Hà Nội

HĐND TP.Hà Nội sẽ thông qua Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội; thông qua Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, HĐND TP.Hà Nội cũng xem xét, thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội; phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công và kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị" sử dụng vốn ODA không hoàn lại của ADB và EU…

HĐND thành phố cũng sẽ thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc mà đại biểu HĐND thành phố và cử tri Thủ đô quan tâm.

Về Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, năm 2023, UBND TP.Hà Nội đã trình đề án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy cho giai đoạn từ nay đến năm 2045 với tổng kinh phí lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Theo UBND TP.Hà Nội, một trong những cơ sở thực tiễn để trình HĐND TP.Hà Nội xem xét đề án là tình hình cháy, nổ trên địa bàn Hà Nội những năm qua diễn biến đặc biệt khó lường.

Trong 10 năm qua (2013-2023), toàn TP.Hà Nội có tới 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ và trên 8.000 sự cố nhỏ khác (trong số này có 44 vụ cháy lớn, 68 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng và 32 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng).

Qua tổng kết, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tập trung số nhiều tại loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, số ít vụ tại các nhà kho, xưởng, địa điểm dịch vụ tập trung đông người.

Thiệt hại về người và tài sản qua các vụ cháy trong 10 năm qua trên địa bàn Hà Nội ở mức cao với 202 người chết, 271 người bị thương. Dù số vụ cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng chiếm số lượng không nhiều (khoảng 3,2%) nhưng gây mức độ thiệt hại lớn cả về người và tài sản…

Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy đặt ra 3 lộ trình để nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn gồm giai đoạn 1 từ nay đến 2025, giai đoạn 2 từ 2026 - 2030 và giai đoạn 3 từ 2031 - 2045.

Tổng kinh phí sơ bộ thực hiện cho cả 3 giai đoạn là khoảng 9.629,2 tỷ đồng (giai đoạn 1 là hơn 1.567 tỷ đồng; giai đoạn 2 gần 2.972 tỷ đồng; giai đoạn 3 là gần 5.090 tỷ đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem