Hà Nội tăng chất xám làm nông thôn mới

Minh Huệ Thứ hai, ngày 14/09/2020 13:24 PM (GMT+7)
“Chương trình số 02-CTr/TU vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025 nhưng đòi hỏi cao hơn. Hà Nội hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) ở 100% xã, huyện; 40% xã NTM nâng cao; 20% xã NTM kiểu mẫu; 5 huyện phát triển thành quận”.
Bình luận 0

Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020" nhấn mạnh như vậy khi chủ trì Hội nghị giao ban quý III của Ban chỉ đạo, tổ chức mới đây.

Hộ nghèo giảm mạnh

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, Hà Nội đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, 355 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 92,9% số xã), 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Thu nhập của người dân khu vực nông thôn ngày càng tăng, năm 2019 đạt bình quân 51,5 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến tháng 6/2020 giảm còn 0,46%.

Hà Nội tăng chất xám làm nông thôn mới  - Ảnh 1.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Huệ

 

 

Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

355 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 92,9% số xã).

13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

51,5 triệu đồng/người là thu nhập bình quân khu vực nông thôn 2019.

0,46% là tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến tháng 6/2020.

Đáng chú ý, đến nay Hà Nội đã có 3 huyện không còn hộ nghèo, gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức.

Ông Nguyễn Tiến Minh - Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho biết, đến nay thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của huyện đã đạt 56 triệu đồng/năm. 

Huyện đang có 4 xã Văn Bình, Nhị Khê, Hà Hồi, Tử Tiên triển khai xây dựng NTM nâng cao và phấn đấu trong năm nay, Thường Tín sẽ có 100 sản phẩm OCOP tham gia đánh giá phân hạng.

"Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng xã Hồng Vân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện đang tích cực mời gọi đầu tư, tăng cường cải cách hành chính nhằm tăng thu ngân sách, tiến tới cân bằng thu - chi và đạt mức thu nhập bình quân đầu người 82 triệu đồng/năm vào năm 2025" - ông Minh nói.

GS-TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tiến độ triển khai đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2020-2025, đến nay học viên đã xây dựng kế hoạch, tập trung vào phân tích thực trạng, xây dựng chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, thể chế và chính sách… cho nông nghiệp và nông thôn Thủ đô.

Bà Lan cho rằng: "Để đáp ứng quá trình đô thị hóa, tỷ trọng nông nghiệp của Thủ đô sẽ ngày càng giảm đi, nhưng hiện nay mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã hợp lý hay chưa? Quan trọng nhất vẫn là con người, tăng đưa chất xám, khoa học công nghệ vào áp dụng trong giai đoạn tới" - bà Lan nói.

Tăng hàm lượng chất xám cho NTM

Về đề án thí điểm xã NTM kiểu mẫu Thủ đô đang thực hiện tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), PGS-TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội rằng: "Nếu chỉ công nhận về mặt tiêu chí, hình thức thì chưa đủ, quan trọng là chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, bộ mặt các làng quê sạch đẹp hơn, không có tệ nạn xã hội, người dân làm giàu được từ nông nghiệp, để bà con không còn phải ly nông, ly hương…".

Hà Nội tăng chất xám làm nông thôn mới  - Ảnh 3.

Nhờ nuôi giống bò BBB (bò 3B), gia đình anh Dư Quốc Khối, ở xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có thu nhập bình quân 400 triệu đồng/năm, đời sống kinh tế gia đình ngày càng khá giả. Ảnh: Minh Ngọc

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình 02 của Thành ủy đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự đóng góp to lớn và nỗ lực của toàn thể nhân dân. Nhờ đó Hà Nội đã về đích sớm 2 năm các mục tiêu đề ra.

Về đề tài xây dựng thí điểm mô hình xã NTM kiểu mẫu của Thủ đô do Hội Nữ trí thức Hà Nội triển khai, bà Hằng đề nghị hoàn thiện sớm đề án trình UBND thành phố phê duyệt vì đây là đề án cấp thiết, đúng với mục tiêu của Ban chỉ đạo quốc gia.

"Hoàn thành NTM rồi không có nghĩa là dừng lại, mà phải tiếp tục nâng cao, trong nâng cao có kiểu mẫu. Các xã Hồng Vân, Đan Phượng thành công rồi thì nhân rộng cho các xã khác cùng học tập, đầu tiên là ngay tại địa bàn huyện Đan Phượng, Thường Tín, nhưng phải căn cứ theo đặc thù địa phương, làm có sáng tạo, tăng hàm lượng chất xám chứ không phải là sao chép" - bà Hằng nói.

Đối với đề tài khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bà Hằng đề nghị Sở NNPTNT Hà Nội đồng chủ trì theo hướng giảm bớt phân tích thực trạng, tập trung vào xây dựng chiến lược, giải pháp, nhiệm vụ giai đoạn tới. 

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô phải mang tính đặc thù, sử dụng đất có hiệu quả gắn với mục tiêu đô thị hoá 62% và đưa 5 huyện lên quận vào năm 2025. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem