Hà Nội tiếp tục đề xuất đặt tên phố Trịnh Văn Bô

Hoàng Thành Thứ ba, ngày 20/11/2018 11:24 AM (GMT+7)
Con phố dự kiến mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô- người hiến tặng 5.000 lượng vàng cho Chính phủ trong Tuần lễ vàng năm 1945 - dài 900 m, rộng 50m từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn tiếp nối phố Trần Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm.
Bình luận 0

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố và công trình công cộng trên địa bàn TP. Theo đó, có 47 đường, phố và 1 công trình công cộng của 17 quận, huyện được đặt tên, điều chỉnh độ dài.

Trong 47 tuyến đường, phố, Hà Nội sẽ lấy tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô đặt tên cho đoạn phố dài 900 m, rộng 50m từ ngã tư giao cắt phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn tiếp nối phố Trần Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm.

img

Nhà tư sản Trịnh Văn Bô và vợ - bà Hoàng Thị Minh Hồ. (Ảnh: I.T)

Kỳ họp HĐND TP Hà Nội diễn ra vào đầu tháng 12 tới, UBND TP Hà Nội sẽ trình HĐND TP để các đại biểu thống nhất thông qua việc đặt đổi tên 47 tuyến đường, trong đó có phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô kể trên.

Từ năm 2017, UBND TP.Hà Nội đã đưa vào tờ trình HĐND TP đặt tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô cho tuyến phố dài 1,2km trên địa bàn quận Cầu Giấy. Đoạn phố này có điểm giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11, đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.

Tuy nhiên, TP Hà Nội quyết định tạm hoãn trình HĐND TP.Hà Nội thông qua việc đặt tên đổi tên đường phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thời điểm đó cho biết, lý do là chưa tìm được sự thống nhất với gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô trong việc đặt tên đường phố mới.

Theo tờ trình của UBND TP.Hà nội năm 2018 còn có một số tuyến phố mới đáng chú ý là phố Cầu Đơ dài 780m, rộng 14,5-34m (quận Hà Đông), cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Quang Trung đến dự án Khu công viên thể thao cây xanh Hà Đông.

Phố Đồng Cổ quận Tây Hồ, dài 1.350m, rộng 7-9m, cho đoạn ngã tư giao cắt phố Thụy Khuê đến cổng sau chợ Bưởi.

Phố Tú Mỡ dài 900 m, rộng 21 m (quận Cầu Giấy), cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Mạc Thái Tông tại ô đất C12, đến ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng cạnh Siêu thị BigC.

Phố Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy) là đoạn đường dài 657 m, từ ngã ba giao cắt đường Cầu Giấy đến ngã ba giao cắt phố Thành Thái. Phố Nguyễn Quốc Trị dài 1.240 m, từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Chánh đến đường cạnh ô đất C2-C4 khu đô thị Nam Trung Yên.

Nhà tư sản Trịnh Văn Bô là một thương nhân theo chủ nghĩa dân tộc, nổi tiếng giữa thế kỷ 20. Ông sinh năm 1914 là con út trong gia đình 3 anh chị em. Thân sinh là cụ Trịnh Phúc Lợi, một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20. Mẹ ông họ Phan, người gốc Hoa, về sau cùng chồng quản lý thành công hiệu buôn Phúc Lợi. Cậu ruột cũng là chủ một hiệu buôn.

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, cha ông còn là thầy của nhiều doanh nhân nổi danh như Nguyễn Đức Mậu (hiệu Phát Đạt), Mai Bá Lân (hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Tọa (hiệu Lợi Hòa)... Năm 1932, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Minh Hồ, ái nữ của cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà nho và là thương gia giàu có đất Hà Nội xưa. Trong sự nghiệp kinh doanh của chồng, bà Minh Hồ đóng vai trò quan trọng.

Mùa thu năm 1945, hưởng ứng Tuần lễ vàng, gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.

Ông Trịnh Văn Bô mất năm 1988, thọ 74 tuổi. Cách đây hơn 1 năm (5.11.2017), vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ mất, thọ 104 tuổi.Gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô sở hữu ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, vợ chồng cụ dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Sau đó gia đình cụ cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem