Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và ban ngành liên quan tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải vào ngành giáo dục.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, vợ phi công Khải có bằng thạc sĩ, đang là giáo viên hợp đồng, chưa được biên chế ở trường nào. Chị sẽ được tuyển dụng vào dạy ở Trường THPT Chu Văn An theo nguyện vọng. Việc này nhằm tri ân những đóng góp, hy sinh của phi công Trần Quang Khải đối với quân đội và đất nước.
Do anh Khải lập gia đình muộn ở tuổi 40 nên con gái của anh còn nhỏ. Vợ con anh thuê nhà để sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong khi anh công tác tại Thanh Hóa, gia đình nội ngoại đều ở Bắc Giang.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi vợ con phi công Trần Quang Khải.
Sáng 14.6, đội hình tiêm kích Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 mất liên lạc cùng hai phi công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi). Một ngày sau, anh Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An.
Chiều 17.6, ngư dân Nghi Lộc (Nghệ An) phát hiện thi thể phi công Trần Quang Khải quấn trong vải dù, cách đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khoảng 33 hải lý. Ngay trong đêm, anh Trần Quang Khải được tàu biên phòng đưa về đất liền.
Anh Trần Quang Khải, 43 tuổi, là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, từng được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba. Ngày 18.6, phi công Trần Quang Khải được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng truy phong quân hàm từ cấp thượng tá lên đại tá.
Lan Hạ (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.