Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Loại rệp này thường trú ngụ, lẩn trốn trong kẽ giường, chăn đệm và cắn người gây mẩn ngứa, khó chịu. Đáng nói, loại côn trùng này rất nhỏ (kích thước chỉ khoảng bằng hạt gạo), không to như bọ xít hút máu người nên việc phát hiện khó khăn hơn, chưa kể, loại rệp này đẻ trứng rất khỏe nên có thể “nhân” đàn lên nhanh chóng.
Chảy máu, mẩn ngứa vì bị “côn trùng lạ” đốt
Mới đây, một khách sạn tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã gọi điện đến Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội thông báo, do hành khách ở đây bị loại côn trùng lạ đốt gây mẩn ngứa, khó chịu đến mức không ngủ được. Những vết đốt này cũng chảy một ít máu, thấm thành những nốt ti li trên ga trải giường.
Khi tới “mục sở thị” tại căn phòng được phản ánh, cán bộ của Viện đã lật đệm lên, soi kẽ giường thì phát hiện nhiều con côn trùng Bedbug, thường gọi là rệp giường vì chúng rất ưa lẩn trốn trong kẽ giường, chăn đệm. Đáng nói, không riêng chỉ phòng của vị khách nói trên, mà toàn bộ các tầng của khách sạn đều xuất hiện nhiều cá thế rệp giường.
Ngay sau khi xác định loại rệp này, các phòng khách sạn đã được phun bằng nhiều loại hóa chất diệt côn trùng như Fendona, Icon nhưng vẫn không hiệu quả, nhiều con rệp giường vẫn sống, bò đi bò lại khắp đệm và trứng của rệp giường cũng không bị tiêu diệt bởi các hóa chất này.
Ông Nguyễn Quang Thái, Trưởng Phòng thí nghiệm động vật y học, Khoa Côn trùng - Ký sinh trùng - Động vật y học (Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội), cho biết: Rệp giường không phải là loại côn trùng mới phát hiện. Chúng có thể lưu giữ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như dịch hạch, hồi quy, sốt Q, Tularemia, viêm gan B... song đến nay chưa phát hiện chúng gây lây truyền cho con người, động vật bị đốt.
Cách đây khoảng 10 năm, loại rệp này cũng đã được phát hiện tại khu dân cư nhưng việc tiêu diệt bằng hóa chất DDT rất hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên hiện nay, DDT đã bị cấm sử dụng do gây hại đến môi trường và sức khoẻ con người.
Việc sử dụng một số hóa chất hiện tại không có tác dụng tiêu diệt rệp, nên các chuyên gia đã phải sử dụng nhiệt để diệt rệp, bằng cách nâng nhiệt độ phòng lên tới 500C. Đồng thời tiến hành luộc, giặt chăn đệm trong nước nóng, phơi nơi khô ráo.
Để ngừa lây lan rộng rệp ra ngoài, các nhân viên khác sạn phải tắm gội, thay quần áo trước khi ra về. Việc vệ sinh chăn đệm, giường chiếu bệnh viện sẽ phải tiếp tục duy trì trong vài tháng nữa để diệt cả lớp rệp non từ trứng nở ra.
Dễ lây lan nhanh
Qua điều tra dịch tễ, các chuyên gia cho rằng, nguồn rệp tại khách sạn này có thể từ hành lý của một vị khách người Ấn Độ vừa nghỉ và rời đi khỏi khách sạn ba ngày trước khi ở khách sạn có hiện tượng bị côn trùng lạ tấn công trên.
Rệp giường là loài côn trùng thuộc bộ bọ xít (Hemiptera), có mùi hôi, cơ thể dẹt, kích thước khoảng 4-5mm. Chúng hút máu người và động vật để sinh trưởng và phát triển. Bình thường cơ thể chúng có màu vàng nhạt, khi hút no máu chúng chuyển thành màu nâu đỏ.
Thời gian đốt máu người của rệp trưởng thành khoảng 5-10 phút. Sau 2-3 ngày, rệp lại hút máu một lần, gây ra nốt mẩn đỏ, đau, ngứa ngáy khó chịu trên da. Rệp đẻ trứng có màu trắng sữa hoặc trắng xanh, dài khoảng 1mm.
Một con rệp cái đẻ trung bình 5 trứng một ngày và đẻ khoảng 125 - 500 trứng trong vòng đời kéo dài 6 tuần đến vài tháng. Do đó, khả năng sinh sôi, “nhân” lên của rệp giường là khá mạnh.
Theo ông Thái, hiện nay trên thế giới, dịch rệp đang hoành hành tại Phần Lan, đặc biệt là ở Mỹ và các nước châu Âu… nên việc rệp giường bất ngờ xuất hiện trở lại ngay tại Hà Nội có thể do sự giao lưu, đi lại của người dân.
Tuy không truyền bệnh nguy hiểm, nhưng rệp đốt rất ngứa ngáy, khó chịu. Vì thế, việc phát hiện nguồn lây và xử lý ngay là rất quan trọng để rệp không nhân rộng, lan nhanh ra cộng đồng.
Để phát hiện rệp, mọi người cần thường xuyên kiểm tra giường đệm, quần áo, vệ sinh giường ngủ thường xuyên. Phát hiện dấu hiệu nghi ngờ có đun nước sôi, hoà với thuốc diệt rệp tưới vào các khe kẽ có rệp, đun chăn, ga vào nước nóng, phơi ra chỗ nắng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.