Hà Tĩnh: "Nín thở" qua sông Ngàn Sâu

Thứ bảy, ngày 20/10/2012 06:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng ngày, hàng nghìn người dân 2 xã Hương Thủy và Phương Mỹ (huyện Hương Khê) chen chúc trên chiếc đò ngang vượt sông Ngàn Sâu tới trường và ra đồng sản xuất...
Bình luận 0

Lên đò "nín thở"

Em Nguyễn Văn Lộc, học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Hương Thủy cho biết: Mỗi ngày em phải đi đò qua sông tới trường ít nhất 2 lần, trời nắng còn đỡ, mùa mưa nước sông Ngàn Sâu chảy xiết, đò ra giữa sông bị cuốn quay vòng sợ lắm. Nhiều hôm, cặp và sách vở ướt nhũn vì bị rơi xuống sông khi chen nhau lên đò qua sông cho kịp giờ học.

img
Học sinh vượt sông Ngàn Sâu tới trường.

Chị Lê Thị Xuân ở xóm 8, xã Hương Thủy cho hay: "Một ngày tôi phải đưa đón hai con học Trường Tiểu học Hương Thủy tới trường và về nhà 4 lần bằng đò ngang, mỗi lần lên đò là tôi phải nín thở. Không chỉ khó khăn trong việc đến trường của các cháu, mà trong sinh hoạt và công việc đồng áng của người dân cũng gặp nhiều bất lợi. Riêng gia đình tôi có 6 sào ruộng phải qua sông cách trở để sản xuất. Bước vào vụ mùa là phải gửi trâu bò ở làng bên để kéo cày làm đất, đến ngày thu hoạch phải lụy đò chở lúa về, công sức cả vụ mùa có khi rơi cả xuống sông”.

Ông Nguyễn Ngọc Chí - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết: Tại địa phương có 4 điểm đò ngang qua sông Ngàn Sâu phục vụ người dân 2 xóm 7 và 8 với trên 300 hộ dân. Xã đã tổ chức nhiều cuộc họp tìm phương án tháo gỡ cho người dân trong việc đi lại nhưng đành bó tay vì không có kinh phí.

"Nóng tay bắt tai"

Xã Phương Mỹ là điểm trũng nhất của huyện Hương Khê, cũng là "rốn lũ" của tỉnh Hà Tĩnh, con sông Ngàn Sâu chia cắt xã làm hai nửa. Năm 2009, xã đã trích nguồn ngân sách ít ỏi làm cây cầu phao tạm dài 120m qua sông Ngàn Sâu, nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng trên khúc sông này, người dân Phương Mỹ đã từng gạt nước mắt tiễn 4 em học sinh đi đò ngang bị chìm đò chết trôi.

Ông Nguyễn Hồng Quân-Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết: "Xã Phương Mỹ có 8 xóm, chia đều 2 bên sông Ngàn Sâu. Cùng với cuộc mưu sinh của bà con nông dân, 300 học sinh hàng ngày phải đi học bằng đò ngang. Cái cầu phao này là giải pháp tạm thời của xã để khắc phục khó khăn của địa phương trong tình thế "nóng tay bắt tai". Khi nước dâng lên 2m thì cây cầu này không đảm bảo an toàn, phải cắt không cho người dân đi lại. Chúng tôi đã từng kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay chưa có hồi âm".

“Vừa rồi thanh tra giao thông về lập biên bản cho rằng cây cầu phao này không đảm bảo an toàn nhưng không đưa ra được phương án nào giúp người dân đi lại an toàn hơn” - ông Nguyễn Hồng Quân cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem