Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

PV BMT Thứ ba, ngày 01/03/2022 11:21 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc đề nghị phối hợp trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của đại danh y.
Bình luận 0

Năm 2024 tới là sẽ tròn 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024), người được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Trung ương hỗ trợ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Ảnh 1.

Trong quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn Ông ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: KDT

Nhằm tri ân những công lao, đóng góp, cống hiến của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn học, văn hóa dân tộc, tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Đại danh y.

Để việc vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thành công, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quan tâm, ủng hộ chủ trương; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, khâu nối chương trình, nội dung làm việc giữa bộ, tỉnh và các cơ quan liên quan.

Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (1724) tại thôn Văn Xá, làng Lưu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Thanh Xá, xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ,  tỉnh Hưng Yên). 

Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (đặc biệt là từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với ở quê mẹ thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). 

UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Trung ương hỗ trợ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Ảnh 2.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Trung ương hỗ trợ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Ảnh 3.

Hải Thượng Lãn Ông, sinh năm 1724, mất năm 1791 là một nhà y dược học vĩ đại, nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ được suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”. Ảnh: KDT

Xuất thân trong dòng tộc khoa bảng nhưng do xã hội bấy giờ rối ren, các phong trào nông dân nổi dậy khắp nơi. Nhận ra điều đó, ông nhiều lần từ chối sự đề bạt, viện nhiều lý do để tránh vòng danh lợi.

Đơn cử, ngày 12/1/1782, ông nhận được chiếu chỉ của chúa Trịnh về kinh đô, vào phủ chúa xem mạch, kê đơn cho thế tử Trịnh Cán và được Trịnh Sâm đánh giá cao ban cho nhiều bổng lộc nhưng ông viện cớ tránh vào chầu, trọ ở ngoài rồi tìm cách xin về cố hương bằng được. Sau chúa Trịnh lại ốm nặng, Lãn Ông trở ra chữa khỏi cho Trịnh Sâm, lại chữa tiếp trọng bệnh cho Trịnh Cán. Cuối cùng tìm mọi cách để rời kinh, tới ngày 2/11/1782, ông về tới Hương Sơn. 

Cả một đời, Hải Thượng Lãn Ông không vương vào vòng danh lợi, đúng như chính hai câu thơ của chính mình: "Công danh trước mắt trôi như nước, Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương".

Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem