Hà Tĩnh: Dùng camera giám sát lửa rừng, giảm tối đa diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng

Khương Lực Thứ bảy, ngày 17/07/2021 16:22 PM (GMT+7)
Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, hệ thống camera giám sát lửa rừng tại các huyện, thị xã trọng điểm có diện tích rừng dễ cháy lớn như: Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh, Kỳ Anh đã phát huy tác dụng. Trong 14 điểm phát lửa trên toàn tỉnh chỉ có 1 điểm gây cháy rừng, thiệt hại 0,23ha rừng.
Bình luận 0

Tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 120.000ha rừng trọng điểm dễ cháy (101.000 ha rừng trồng và 18.000 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt giang, nứa, gỗ), trải đều trên địa bàn 13 huyện, thị xã. 

Hàng năm từ tháng 5 đến tháng 9 toàn tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió phơn Tây Nam, nhiệt độ bình quân luôn ở mức cao 39 - 410C, nguy cơ cháy rừng và cháy lớn rất dễ xảy ra.

Trước tình hình đó, ngay từ đầu mùa nắng nóng năm 2021, ngoài các biện pháp, giải pháp đã thực hiện trước đây, lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh đã nhanh chóng tham mưu kích hoạt, đổi mới nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng sáng tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả.

Dùng camera giám sát, phát hiện sớm lửa rừng

Mùa nắng nóng năm 2021, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ luôn ở mức cao từ 38 - 410C, nhưng trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị thiệt hại không có khả năng phục hồi 0,23ha.

Hà Tĩnh: Dùng camera giám sát lửa rừng, giảm tối đa diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng - Ảnh 1.

Hệ thống camera giám sát cháy rừng tại Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: KLHT

Nếu so với cùng kỳ năm 2020, số vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giảm 9 vụ, diện tích rừng thiệt hại không có khả năng phục hồi giảm 55,95ha. Để đạt được kết quả tích cực này, lực lượng kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu nhiều giải pháp sáng tạo, cách làm quyết liệt.

Một trong những cách làm sáng tạo, mới áp dụng ở Hà Tĩnh là lắp đặt và đưa vào sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát lửa rừng tại 4 huyện, thị xã trọng điểm có diện tích rừng dễ cháy lớn Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh, Thị xã Kỳ Anh.

Với tính năng quan sát diện tích lớn, tầm nhìn xa từ 7-10km, quá trình vận hành hệ thống camera đã phát huy tác dụng, góp phần giảm bớt khó khăn, vất vả cho lực lượng trực canh gác tại các chòi canh, điểm trực gác.

Khi có cháy rừng, hệ thống camera truyền hình ảnh về máy chủ đặt tại các hạt Kiểm lâm huyện, chủ rừng qua tivi màn hình lớn hoặc qua điện thoại smartphone của từng cá nhân. 

Lực lượng trực tổ chức kiểm tra và xác định kịp thời điểm cháy (vị trí, loại rừng, địa phương,…) và báo cáo cấp có thẩm quyền để huy động lực lượng chữa cháy rừng kịp thời theo quy định.

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh chia sẻ, thời gian qua cơ bản các điểm phát lửa đều được lực lượng trực camera giám sát phát hiện sớm, tổ chức lực lượng dập tắt kịp thời, hạn chế được tối đa diện tích rừng bị thiệt hại. 

"Trong 14 điểm phát lửa trên toàn tỉnh chỉ có 1 điểm gây cháy rừng, với diện tích rừng thiệt hại hoàn toàn không có khả năng phục hồi là 0,23ha" - ông Huấn nói.

Tăng tuyên truyền, lập chốt trực gác lửa rừng

Trong năm 2021, lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh đã đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng theo hướng "mưa dầm thấm lâu" qua hệ thống truyền thanh, truyền hình tỉnh, huyện, xã với 2.375 lượt/24.915 phút.

Hà Tĩnh: Dùng camera giám sát lửa rừng, giảm tối đa diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng - Ảnh 3.

Chốt chặn phòng cháy chữa cháy rừng tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: KLHT.

Cùng với đó, tổ chức nói chuyện chuyên đề trong các nhà trường, cộng đồng dân cư, qua đó tổ chức ký 64.473 bản cam kết thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại 143 trường học và 398 thôn, xóm.

Ngoài ra, vào thời điểm cao điểm nắng nóng còn tổ chức tuyên truyền lưu động tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Vì thế, mọi người dân đều biết và chủ động các biện pháp phòng ngừa cháy rừng.

Ngay từ đầu năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, chủ rừng báo cáo các điểm trực gác lửa rừng (điểm trực tiếp nhận thông tin, chòi canh, điểm quan sát camera,…), chốt kiểm tra, kiểm soát người ra vào rừng và số điện thoại liên lạc cụ thể. 

Từ đó, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện chế độ trực gác của các địa phương, đơn vị.

Để ứng phó với cháy rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng, tỉnh Hà Tĩnh đã lập 53 chốt, bố trí lực lượng trực gác 24/24 giờ  (gồm Kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền xã) tại các tuyến đường vào những khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn tỉnh để kiểm soát người ra vào rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng.

Người ra vào rừng phải được khai báo và theo dõi đầy đủ (thông tin họ tên, ngày, giờ vào, ra khỏi rừng, số điện thoại, mục đích vào rừng,…); tuyệt đối không cho những người không có phận sự vào rừng. 

Đối với máy móc thiết bị phục vụ chữa cháy rừng, trong năm 2021 đã được tăng cường thêm 200 máy thổi gió, 63 cưa xăng. Toàn bộ máy móc, dụng cụ chữa cháy rừng được trang bị cho lực lượng của xã, chủ rừng là chủ yếu, nhằm đảm bảo kịp thời chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem