Hà Tĩnh: Sản xuất sạch chưa tới doanh nghiệp

Thứ sáu, ngày 29/07/2011 05:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù có tới hơn 13.900 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng Hà Tĩnh lại là một trong những địa phương chậm tiếp cận với những giá trị của chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH).
Bình luận 0

Doanh nghiệp nhỏ và tư duy đối phó

Những năm qua, ngành công nghiệp của Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Tỉnh này đã thu hút được khá nhiều dự án lớn, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp - làng nghề đã được chú trọng phát triển.

Tính đến hết tháng 4.2011, Hà Tĩnh có hơn 13.900 cơ sở sản xuất công nghiệp, mang lại giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 2.077 tỷ đồng... Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp của tỉnh còn bộc lộ nhiều bất cập.

img
Sản xuất sạch là cách để doanh nghiệp tự cứu mình.

Hầu hết các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều là các DN nhỏ và vừa, vốn ít, trang bị kỹ thuật thô sơ, tiêu hao nguyên nhiên liệu, dẫn tới sức cạnh tranh kém. Kỹ thuật lạc hậu cộng khó khăn về vốn khiến các DN “ngại” đầu tư cho các hệ thống xử lý chất thải. Thực tế hầu hết các DN đều gây ô nhiễm môi trường do thải trực tiếp ra môi trường với các thông số vượt quá tiêu chuẩn quy định.

Ông Trần Nhật Tân-Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp của Hà Tĩnh đều chưa đầu tư các hệ thống xử lý môi trường, trong đó có hệ thống xử lý nước thải.

Đặc biệt, có những cơ sở sản xuất được đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành hoặc vận hành không hiệu quả. Nhiều cơ sở sản xuất ngành nghề đang có nguồn thải gây ô nhiễm nặng như ngành sản xuất bia và nước giải khát, sản xuất cồn rượu công nghiệp, chế biến hải sản, sản xuất sơn, sản xuất giấy, các làng nghề mộc, rèn đúc... "Đáng buồn là các DN chỉ bảo vệ môi trường một cách đối phó!"- ông Tân nói.

Tự cứu mình!

Trong thời điểm rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải khó khăn về vốn, thị trường cạnh tranh như hiện nay, các DN sản xuất công nghiệp cần xác định áp dụng SXSH vừa là trách nhiệm với cộng đồng vừa là một trong những giải pháp “tự cứu mình”. Bởi vì SXSH không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm được các chi phí tiêu hao năng lượng, nguyên liệu vật tư đầu vào, từ đó làm hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.

Từ năm 2007, Hà Tĩnh đã phổ biến việc áp dụng SXSH nhằm giảm thiểu chất thải và tăng hiệu quả sản suất kinh doanh của các DN. Song chỉ rất ít DN áp dụng ở mức độ đơn giản, hiệu quả thấp.

Điều tra ở Hà Tĩnh cho thấy ngoài một số nhà máy mới xây dựng được đầu tư thiết bị, công nghệ khá hiện đại thì đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có thiết bị công nghệ lạc hậu.

Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, sửa chữa cơ khí, dệt may, chế biến nông lâm sản, chế biến thực phẩm, tuy mới đầu tư nhưng thiết bị công nghệ chỉ ở mức trung bình yếu, thiếu các dây chuyền tự động hoá, các thiết bị chuyên dùng nên năng lực sản xuất, còn kém xa so với các nước.

Do vậy, vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực các thiết bị công nghệ phải được đặt lên hàng đầu. Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Tĩnh sẽ rà soát lại các DN chưa áp dụng SXSH trong sản xuất kinh doanh để từ đó tư vấn, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn nhằm giúp các cơ sở áp dụng một cách triệt để quá trình SXSH trong DN.

Hà Tĩnh đang phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 35% năm, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng là 23,3%, gắn với bảo vệ môi trường. Muốn vậy, tỉnh này chỉ có cách thúc đẩy các DN áp dụng SXSH một cách hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem