Hai chuyện ngược chiều về đất đai

Thứ hai, ngày 01/04/2013 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong câu chuyện này, giá đất đền bù đưa ra ban đầu không chỉ được quyết định tùy tiện, thiếu cơ sở, mà còn không minh bạch đối với người dân, từ đó đánh mất sự ủng hộ của dân...
Bình luận 0

Tham dự hoạt động tham vấn cộng đồng góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Lưu Ngọc Minh (thôn Bản Lọng, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) kể:

“Trong dự án mở rộng Quốc lộ 32, gia đình tôi và người dân được thông báo bị thu hồi đất và có được đền bù. Khi áp giá đền bù cho các hộ ban đầu bằng miệng, cán bộ huyện nói là 160.000 đồng/m2, nhưng người dân không chịu.

Lần thứ hai, huyện gọi lên nói giá đền bù là 300.000 đồng/m2, người dân cũng không chịu. Lần thứ ba, huyện lại gọi lên trả 600.000 đồng/m2, dân vẫn tiếp tục không chịu. Người dân quá bức xúc vì bị áp giá quá thấp, nên tôi đã lên tỉnh để xin tài liệu khung giá đất, sau đó mang lên huyện.

Với bằng chứng này, huyện mới đồng ý trả lên trung bình là 800.000 đồng/m2. Hộ được đền bù cao nhất là 1.150.000 đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thị trường do người dân tự mua bán của nhau là 1.875.000 đồng/m2”.

Trong câu chuyện này, giá đất đền bù đưa ra ban đầu không chỉ được quyết định tùy tiện, thiếu cơ sở, mà còn không minh bạch đối với người dân, từ đó đánh mất sự ủng hộ của dân.

Ở chiều ngược lại, khi thông tin về chính sách được rõ ràng và phù hợp với lợi ích người dân, họ sẵn sàng ủng hộ.

Ví dụ như chuyện của bà Nguyễn Thị Ví, sinh năm 1933, cư ngụ tại ấp 3, xã Thạnh Trị, huyện Mộc Hóa (Long An). Cả nhà bà Ví có 3 nhân khẩu, sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với diện tích 5,3ha đất trồng lúa. Đầu năm 2012, khi chính quyền địa phương tổ chức họp dân triển khai dự án đê bao lửng và vận động người dân trong xã hiến đất.

Khi được thông tin đầy đủ chủ trương trên, gia đình bà đã tự nguyện hiến hơn 5,4 công đất (5.400m2). Theo bà, việc xây dựng đê bao lửng giúp người dân địa phương sản xuất trong mùa lũ; đồng thời mặt đê bao còn tạo điều kiện thuận lợi cho dân đi lại.

Bà Ví cho biết việc làm này là tự nguyện hiến đất và sau hiến đất không có gì phải phiền hà. Nhiều người khác cũng góp đất xây dựng đê bao như bà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem