Hai cụ già với hành trình 10 năm nhặt xác thai nhi

Chủ nhật, ngày 07/04/2013 20:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều người bảo làm cái công việc ấy là “dở hơi”, là “gàn”, nhưng hơn 10 năm nay, bà và ông vẫn ngày ngày lặng lẽ đạp xe cả chục cây số đi nhặt xác những sinh linh vô tội về chôn cất.
Bình luận 0

Hai ông bà thiện tâm đó là bà Phạm Thị Cường (SN 1938) và ông Vũ Văn Bao (SN 1949) ở thôn Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Tìm về Quần Vinh vào một buổi chiều đông, chúng tôi không khó để hỏi thăm về nhà hai cụ. Nhà bà Cường với mái ngói đơn sơ nằm sâu trong ngõ nhỏ. Năm nay, dù đã 75 tuổi nhưng bà Cường vẫn còn nhanh nhẹn và rất minh mẫn.

 img
Ông Bao và cả trăm xác hài nhi chờ được chôn cất.

Ám ảnh những sinh linh bất hạnh

Nhiều người dân tỏ ra rất thán phục khi kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của bà Cường. Đã hơn chục năm nay, bất kể thời tiết nắng cháy hay mưa giông, gió rét, người ta vẫn thấy một bà cụ già nua, tóc bạc như cước, đội chiếc nón cũ kỹ, chầm chậm đạp xe trên mọi ngả đường xung quanh huyện Nghĩa Hưng để tìm nhặt xác hài nhi bị vứt bỏ về tự tay chôn cất.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Cường cho biết, vào khoảng năm 2001, trong một lần đi chợ về qua cầu Đông Bình, bà nhìn thấy một túi ni-lông đen vứt bên vệ đường. Mở tú ni-lông ra, bà hoảng hồn phát hiện một thai nhi vẫn còn thoi thóp thở.

Bà vội vàng đưa đứa trẻ đi khắp làng xem có ai nuôi con nhỏ để cho đứa bé bú nhờ. Nhưng do sức khỏe quá yếu nên cháu bé đã mất ngay sau đó. Bị ám ảnh bởi số phận đau buồn của đứa trẻ xấu số, bà Cường quyết định đi nhặt các xác hài nhi bị vứt bỏ để đưa về chôn cất, khói nhang.

Cảm phục trước việc làm đầy ý nghĩa của bà Cường, ông Vũ Văn Bao, một người cùng thôn cũng tự nguyện cùng bà giúp các hài nhi được nhang khói, có nơi có chốn. Ông Bao vốn làm nghề bốc mộ, khâm liệm cho người chết đã hơn 30 năm nay.

Mỗi khi thu gom các hài nhi về, bà Cường lại chuyển cho ông Bao khâm liệm rồi đưa ra khu nghĩa địa chôn cất. Các hài nhi chủ yếu là vài tuần tuổi, lớn nhất là 5 tháng tuổi. Các bé được ông bà tắm rửa rồi cho vào các bát hương, đánh số thứ tự.

Trước đây, hai ông bà đi đặt tiểu sành cho các hài nhi nhưng do số tiền quá lớn nên chuyển sang dùng bát hương, sau đó gắn kín lại bằng xi măng.

 img
Hài nhi được bà Cường khâm liệm sạch sẽ rồi cho vào bát hương trước khi đem chôn.

“Mỗi hài nhi dù chưa được sinh ra, chưa được thành hình, nhưng cũng là một con người. Số phận không cho các cháu được sống trên đời nhưng khi các cháu bị bỏ đi cũng cần được nhang khói cho an lòng. Thấy các hài nhi bị bỏ rơi không nơi chốn, tôi không thể cầm được lòng mình. Chính vì vậy mà tôi mới làm công việc này” - ông Bao chia sẻ.

Có những thai nhi đã được 5 - 6 tháng tuổi, người ta phải xắt ra thành những mảnh nhỏ để phá dễ dàng hơn. Khi đó ông Bao phải nhặt nhạnh từng phần thi thể của mỗi em để sao cho các em được toàn thây và không bị nhầm lẫn. Có những thai nhi lớn sống đến 4 - 5 tiếng sau mới nhắm mắt cứ ám ảnh ông mãi không thôi.

“Nhìn những hình ảnh như thế, nhiều khi làm xong xuôi mọi việc nhưng trong lòng tôi cảm thấy buồn đến không muốn ăn uống. Những sinh linh bé nhỏ có tội tình gì mà phải lìa xa cuộc sống khi còn đang trong bụng mẹ? Lúc đó tôi thường nghĩ về số phận con người, không biết bố mẹ chúng nghĩ sao mà có thể đang tâm vứt bỏ đi giọt máu của mình?” - ông Bao buồn rầu tâm sự.

Hàng nghìn xác hài nhi được chôn cất

Ông Bao làm công việc này đã được gần 5 năm. Quan sát trên bàn thờ đặt các hài nhi, con số hài nhi được ông ghi bằng sơn màu đỏ đã lên tới 5.037. Ông Bao cho biết, trong năm 2012, ông bà đã thu gom khoảng 700 xác hài nhi. Tất cả đều được ông ghi lại tỉ mỉ trong một quyển vở.

 img
Ông Bao trầm ngâm khi nhớ lại ánh mắt ám ảnh của những thai nhi vô tội.

Mỗi khi đưa các hài nhi về nhà, hai ông bà đặt tên cho các hài nhi rồi mới đưa đi ra nghĩa địa. Tên của các hài nhi chính là số thứ tự mà ông bà thu gom được. Các bát hương đựng hài nhi thường để ở nhà ông Bao, mỗi tháng đưa ra nghĩa trang chôn cất một lần. Nghĩa trang của các hài nhi được xây thành ngôi mộ chung, số tiền xây mộ đều do các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ.

Ông Vũ Văn Hưởng, Trưởng thôn Quần Vinh, cho biết:

"Lúc đầu, thấy bà Cường và ông Bao làm công việc này, mọi người trong thôn bàn tán nhiều lắm. Người hiểu thì động viên ông bà làm tiếp, người không hiểu thì bảo họ là điên khùng. Thậm chí, ông bà còn bị một số người xa lánh vì sợ gặp sẽ bị xúi quẩy do luôn tiếp xúc với các linh hồn oan khuất. Nhưng rồi một thời gian cũng quen và có nhiều người hiểu nghĩa cử cao đẹp của ông bà hơn".

Vuốt chòm râu trắng muốt, đôi lông mày rậm của ông Bao hướng về phía xa xăm: “Việc tôi làm có được gì mà các chú phải tìm về tận đây. Tôi chỉ mong mọi người biết đến không phải với cái danh đi nhặt nhạnh thi hài các cháu, mà muốn họ biết đến tôi để đừng nhẫn tâm bỏ đi giọt máu của mình. Giờ tôi chỉ mong được thất nghiệp thôi các chú ạ”.

Khi chúng tôi hỏi định làm công việc đặc biệt này đến bao giờ, ông Bao mỉm cười đáp: “Cũng chả biết tôi còn sống được bao lâu nữa. Ông giời bắt "đi" lúc nào thì "đi" lúc ấy, nhưng chỉ cần vẫn còn sống thì tôi cùng bà Cường sẽ tiếp tục tìm kiếm và chôn cất những hài nhi bị vứt bỏ”.

Hai con người, hai số phận nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái và sự can đảm lạ kỳ. Nhìn những bát hương bên trên có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, tôi không khỏi chạnh lòng suy nghĩ. Càng thương các cháu nhỏ bao nhiêu, tôi lại càng khâm phục những con người như bà Cường và ông Bao bấy nhiêu.

Những việc họ làm không chỉ mang ý nghĩa nhân ái mà đó là hành động cao cả trong cuộc chiến bảo vệ quyền sống của con người.

Theo Dòng Đời
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem