Thế giới tăng, ta tăng. Thế giới giảm, ta vẫn tăng. Thế giới đứng im, ta… điều chỉnh.
Ngày 28.3, “ta” vẫn tăng. Nhưng đáng để nói nhất phải là nguyên nhân tăng giá xăng là tại buôn lậu. Đại khái theo Bộ Tài chính hiện giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000- 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp. Ta “điều chỉnh” vừa để chống buôn lậu, vừa để ngân sách khỏi bù lỗ. Xem ra, với cách giải thích này, chính nhân dân là người phải chịu trách nhiệm vì tình trạng buôn lậu xăng dầu.
VietNamNet hôm qua giật tít “Cả tạ rau không mua nổi cân thịt”. Những người trồng rau chẳng hạn, đương nhiên sẽ phải đổ mồ hôi nhiều hơn, sẽ phải thọc sâu hơn vào túi khi tần ngần đứng trước hai chữ “điều chỉnh” ngoài cây xăng. Có lẽ, cứ điều hành kiểu “ta” thế này rồi sẽ đến lúc “cả tạ rau không mua nổi lít xăng”. Bởi rau, có lẽ là không thể độc quyền được.
Trong khi đó, thị trường vàng “giựt kinh phong” sau phiên đấu giá ế 24.000 lượng vàng của Ngân hàng Nhà nước. Điều lạ là hơn 2.000 lượng vàng với giá trên trời vẫn có người mua. Mới biết để ai đó khoe khoang rằng “vẫn có mua”, không ít người phải bấm bụng. Điều lạ là lời giải thích chính thức của đại diện Ngân hàng Nhà nước sau đó rằng, họ chỉ “quan tâm đến việc bình ổn thị trường vàng” mà không quan tâm đến “bình ổn giá”.
Lời giải thích này nó cưỡng từ đoạt lý đến nỗi ngay cả các chuyên gia tài chính cũng không thể đưa ra một ví dụ tiền lệ về một thứ hàng hóa mà lại không liên quan đến giá. Cưỡng từ đoạt lý còn là bởi thứ mà người dân quan tâm nhất thì lại chỉ là giá? Có tình hình thị trường nào không bắt đầu và đương nhiên phải bắt đầu từ giá. Có loại bình ổn nào tách rời được yếu tố giá?
2 mặt hàng, 2 hành vi quản lý, 2 mức giá vô lý. Nhưng, lại có một điểm chung.
Khi Ngân hàng Nhà nước vừa tay trái ký các quyết định làm chính sách, độc quyền vàng SJC chẳng hạn, và tay phải thì gõ búa trong một phiên đấu giá vàng. Thì câu chuyện giá vàng trong nước gần với giá vàng thế giới vẫn còn xa lắm.
Còn xăng. Nói đi nói lại mãi vẫn chỉ là câu chuyện độc quyền mà việc “điều chỉnh”, thấy rõ địa chỉ lợi ích dứt khoát không phải là người dân.
Đào Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.