Hải Dương: Tưởng niệm 724 năm ngày mất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, khai hội mùa thu Kiếp Bạc
Hải Dương: Tưởng niệm 724 năm ngày mất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc
Nguyễn Việt
Thứ năm, ngày 19/09/2024 07:09 AM (GMT+7)
Tối 18/9, tại đền Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, TP. Chí Linh, Ban tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương năm 2024 tổ chức lễ tưởng niệm 724 năm ngày mất của Anh hùng Dân tộc, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu trình bày diễn văn ôn lại, thân thế, sự nghiệp nhằm tri ân, tưởng nhớ Anh hùng Dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Hải Dương là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, một trong những cái nôi của nền văn minh sông Hồng. Là vùng “địa linh nhân kiệt”, phên dậu phía Đông bảo vệ kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Xứ Đông - Hải Dương không chỉ là nơi sinh ra nhiều danh nhân mà còn là nơi thu hút, quy tụ được nhiều nhân tài lỗi lạc khắp bốn phương về đây lập nghiệp, suy tư việc nước và hiến kế sách dựng nước.
Vạn Kiếp là vùng địa quân sự, địa văn hóa, địa kinh tế của Chí Linh, của Hải Dương và cả nước. Nơi đây, mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, rồng chầu hổ phục, sông núi linh thiêng, trời bày đất dựng, hình thế hiểm yếu, đắc địa phong thủy. Với vị thế chiến lược “tiền công, hậu thủ vững chắc” của vùng đất này, bằng nhãn quan thiên tài quân sự của mình, sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ nhất (1285), Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn đã chọn Vạn Kiếp để tập trung binh lực xây dựng quân doanh, đưa Vạn Kiếp trở thành trung tâm chỉ huy của phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn ra Biển Đông, tạo thế trận đánh giặc Mông Nguyên lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288).
Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn sinh năm Mậu Tý (1228), thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, văn võ song toàn. Là tướng tài, lại biết giữ gìn rường cột nước nhà, nên qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để lại tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, đời đời kính phụng.
Dưới tài chỉ huy thao lược của Quốc Công Tiết Chế, quân dân Đại Việt đã bừng bừng khí thế “Sát Thát” đã ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông hung tàn, giành thắng lợi lẫy lừng, bão vệ toàn vẹn bờ cõi đất nước. Trong các chiến thắng vang dội ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang đều ghi dấu công lao to lớn của Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương.
Những chiến thắng đó, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về tài năng chỉ huy của Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, của các Vua Trần và tinh thần hào khí Đông A của quân dân Đại Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước.Không chỉ là nhà quân sự thiên tài, Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương còn là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc, để lại cho hậu thế những áng thiên cổ hùng văn, những trước tác bất hủ như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư...
Năm 1288, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thắng lợi, Hưng Đạo Đại Vương lui về sống tại tư dinh Vạn Kiếp. Với công lao cống hiến vĩ đại, với tài năng, đức độ bậc nhất, nên ngay khi còn sống, Ông đã được Vua Trần cho lập Đền thờ (gọi là Sinh Từ), lập Bia đá ghi công (gọi là Sinh Bia). Ngày 20 tháng 8 năm Hưng Long thứ 8 (1300), trái tim người Anh hùng dân tộc ngừng đập tại tư gia Vạn Kiếp!
Sau khi mất, Triều đình tiến phong là Tổng Quốc Chính Thái Sư Thượng Phụ, Thượng Quốc Công, Bình Bắc Đại Nguyên Soái, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Trong tâm thức dân gian, Nhân dân tôn phong Ngài là Đức Thánh Trần, Cửu Thiên Vũ Đế - Thần chủ Đạo Nội. Nhân loại suy tôn Ngài là Vị Tướng tài thế giới. Tri ân công lao to lớn của Ngài với non sông, đất nước, Triều đình và Nhân dân Đại Việt lập Đền thờ tưởng niệm trên nền Phủ đệ Vạn Kiếp - Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương, để cháu con muôn đời tế độ, thành kính phụng thờ.
Hơn 7 thế kỷ trôi qua, tư tưởng trọng dân, “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”, cùng với tư tưởng về nghệ thuật quân sự, thuật binh pháp, đạo làm tướng, cách dùng người, lòng trung quân ái quốc vì giang sơn, xã tắc của Quốc Công Tiết Chế - Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương vẫn mãi là những bài học có giá trị to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần đã trở thành Đạo Nội, trở thành di sản văn hóa phi vật thế độc đáo trong nền văn hóa dân tộc, có sức sống trường tồn, được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác trong tâm thức người Việt.Lễ hội mùa Thu năm nay, diễn ra trong thời điểm 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang đón các đoàn chuyên gia thẩm định, trình UNESCO vinh danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.
Trong đó, với những giá trị đặc sắc tiêu biểu, khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn, Kiếp Bạc và di tích Chùa Thanh Mai sẽ góp phần quan trọng để khẳng định, minh chứng tính toàn vẹn và xác thực của quần thể di sản.
Sau phần diễn văn ôn lại sự nghiệp của Anh hùng Dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu, tiếp đó, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng thực hiện màn đánh trống khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.
Sau đó là lễ đọc văn tế và phần nghi lễ các lãnh đạo, đại biểu và nhân dân đã thực hiện lễ dâng hương tưởng nhớ Anh hùng Dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Trước đó, lúc 19 giờ tối 18/9, Ban tổ chức lễ hội đã tiến hành tổng kết, trao giải hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi; khai mạc Tuần Văn hoá, Du lịch, Xúc tiến, Thương mại tỉnh Hải Dương.
Vào lúc 22 giờ đêm 18/9, Bạn tổ chức lễ hội tổ chức lễ ban ấn cho đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024, cùng với thực hành các nghi lễ truyền thống như: Lễ tưởng niệm và khai hội; lễ ban ấn diễn ra tối 18/9, lễ hội còn diễn ra nhiều phần lễ khác như: Lễ cầu an và hội hoa đăng, Lễ rước, Lễ giỗ Đức Thánh Trần. Đồng thời, trong không gian khu di tích tổ chức nhiều hoạt động như: Liên hoan diễn xướng Hầu thánh; Trưng bày cổ vật “Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương”...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.